Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3 - vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Hiện Nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt đối với hành vi trên chỉ 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2 - nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở), Tổng cục Đường bộ đề xuất phạt tiền 18-20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14-18 tháng. Đối với mức vi phạm này, Nghị định 46/2016 đang quy định phạt tiền 7-8 triệu đồng và tước bằng lái xe 3-5 tháng.
Với mức thấp nhất (mức 1 - nồng độ cồn dưới 50 mg hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở), mức phạt đề xuất phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng. Đây là mức được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46/2016.
Đối với người điều khiển mô tô, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng nặng ở mức cao nhất là xử phạt 7-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml lít máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46/2016 quy định xử phạt 3-4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Ở mức thấp nhất, mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị liên quan để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với tài xế mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.