“Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Trong đó tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia, ma túy…”.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, thông tin với Pháp Luật TP.HCM như trên.
Tăng tiền phạt, thời gian tước bằng lái
. Phóng viên: Mức tăng cụ thể như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Thạch: Trong dự thảo có điều chỉnh hai trong ba mức xử phạt đối với người uống rượu bia điều khiển ô tô. Cụ thể, mức 1 giữ nguyên.
Mức 2, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở thì tăng thời gian tước bằng lái từ 2-4 tháng lên 10-12 tháng, giữ nguyên mức phạt tiền là 7-8 triệu đồng.
Mức 3, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/ lít khí thở thì tăng từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng lên mức phạt 26-30 triệu đồng và tước bằng lái 10-12 tháng.
Đặc biệt, người điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy được đề nghị tăng mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng.
. Mức phạt tiền và thời gian tước bằng lái tăng có thể dẫn đến việc người vi phạm không chấp hành test rượu bia?
+ Chính vì vậy, dự thảo đưa ra quy định đối với tài xế ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, điều chỉnh tăng mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng. Cạnh đó, nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, hiện mức phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng sẽ tăng lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.
. có hơn 70% vụ tai nạn giao thông xảy ra do người lái xe máy, trong đó có lỗi của họ là sử dụng rượu bia. Vậy mức phạt tới đây có tăng với nhóm người này?
+ Đối với người lái xe máy, dự thảo cũng điều chỉnh một mức. Cụ thể, người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ tăng từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.
Đối với người lái xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn sẽ tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM do người lái ô tô uống rượu bia gây ra. Ảnh: plo.vn
Mức phạt cao có hợp túi tiền dân?
. Lý do nào Bộ GTVT đề xuất tăng các mức phạt trên?
+ Như chúng ta biết, từ cuối năm 2018 đến nay xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân tài xế sử dụng ma túy, rượu bia… làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT sửa nghị định theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt trên nhằm bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
. Thưa, vì sao dự thảo điều chỉnh ở mức 3 tăng tiền và thời gian tước bằng người sử dụng rượu bia khi lái xe và ở mức 2 vẫn giữ nguyên tiền phạt, chỉ tăng thời gian tước bằng lái?
+ Quá trình xây dựng dự thảo nghị định, chúng tôi đã đưa ra các mức tăng khác nhau. Tuy nhiên, phía công an cho rằng thẩm quyền (theo Luật Xử lý vi phạm hành chính - PV) xử phạt của trưởng phòng CSGT chỉ mức 8 triệu đồng và thời gian tước bằng lái dưới hai năm. Mức phạt trên 20 triệu đồng lại thuộc thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh. Vì vậy, ngành công an đề xuất giữ nguyên mức 1 và mức 2 chỉ giữ nguyên tiền phạt để tiện cho việc xử lý, tránh đẩy hết cho cấp trên gây tắc.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, lãnh đạo Bộ GTVT vẫn đề nghị tăng mức phạt nặng đối với mức 3, cao nhất (là phạt 30 triệu đồng và tước bằng lái 24 tháng). Vì hiện nay Thủ tướng chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử nên các thủ tục, thời gian xử phạt sẽ nhanh chóng, không nên sợ mức phạt cao phải đẩy lên cao, lên cấp trên rồi tắc ở đó. Vì vậy, chúng tôi đưa vào dự thảo mức phạt dự kiến cao nhất cho tài xế ô tô sử dụng rượu bia, ma túy là 30 triệu đồng để lấy ý kiến người dân. Sau đó, nếu mọi người đồng thuận tăng nữa, chúng tôi sẽ điều chỉnh lên 40 triệu đồng và tước bằng lái xe hai năm đối với hành vi trên.
. Mức phạt tiền cao liệu có phù hợp túi tiền người dân?
+ Dự thảo mức phạt có căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân để vừa đảm bảo răn đe vừa khả thi. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, với thu nhập hiện nay của người dân, nếu uống rượu bia bị xử phạt 18 triệu đồng là tương đối cao. Vấn đề ở đây là chúng ta phải thực thi pháp luật thật nghiêm, không nể nang, xuề xòa… Ý tôi nói là phải đồng bộ các giải pháp, hình thức phạt là một chuyện nhưng thực thi nghiêm minh hơn nữa theo tôi sẽ rất hiệu quả…
. Như vậy, nếu muốn xử mạnh tay với ma men, Quốc hội phải ra nghị quyết hoặc sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính?
+ Đúng! Chúng ta phải sửa đồng bộ nhiều luật, như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự… Về phần Bộ GTVT đang được giao nhiệm vụ sửa nghị định này và dự kiến Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.
. Xin cám ơn ông.
Chưa phạt hốt rác, quét đường Các đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn, phạt lao động công ích, phạt tù… tài xế sử dụng rượu bia, sử dụng ma túy tham gia giao thông chưa thể điều chỉnh trong Nghị định 46 vì Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép tước bằng lái tối đa 24 tháng, xử phạt cá nhân uống rượu bia tối đa 40 triệu đồng. Hiện Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Bộ GTVT, Bộ Tư pháp tổng kết để sửa đổi. Để nghiêm trị ma men, người sử dụng ma túy, trong quá trình sửa hai luật, Bộ GTVT sẽ xem xét và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp hơn nhằm răn đe, phòng ngừa tai nạn giao thông do những người này gây ra. |