- Ông Nguyễn Ngọc Thi – Phó Giám đốc Truyền Thông Công ty Vinasun có ý kiến về việc xử phạt hành vi sử dụng điện thoại bằng tay khi tham gia giao thông. “ Có quy định mới nếu vừa lái xe ô tô vừa nghe điện thoại có chỗ vướng khi một số hãng taxi như uber, grab được khách hàng dùng ứng dụng để gọi đến, sau đó tài xế phải gọi điện lại cho khách hàng để xác nhận. Như vậy đã vi phạm Nghị định 46; nếu gọi điện thoại phải tấp vào lề, nhưng không phải lúc nào cũng được dừng đỗ xe, rất khó cho các hãng taxi dùng ứng dụng này” – ông Thi hỏi.
Trung tá Huỳnh Trung Phong trả lời: về việc này Nghị định đã quy định rõ, cấm dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe nhưng không cấm sử dụng điện thoại, còn nếu dùng màn hình kết nối hay nhiều biện pháp để gọi điện thoại mà không dùng tay sẽ không quy định. Điều này áp dụng từ 1-1-2017. Do đó, các hãng taxi nên có cải tiến thiết bị phương tiện cho phù hợp như chức năng loa, giá treo, tai nghe,....
Trung tá Phong cũng nhận định hành vi dùng tay sử dụng điện thoại khi đang điều khiển ô tô rất nguy hiểm, pháp luật quy định xử lý là rất chặt chẽ.
- Ông Nguyễn Quang Tiến – Giám đốc Pháp chế của công ty Vinasun thắc mắc về việc xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển ô tô. “Nghị định 46, điểm k điều 1 có quy định phạt người tham gia giao thông không dây an toàn. Nhưng đối với hãng taxi chúng tôi, về trách nhiệm luôn nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn nhưng nhiều trường hợp không tuân theo; khách hàng lại là thượng đế. Nên nếu khách hàng được nhắc nhở mà không chấp hành thì nên phạt khách hàng chứ không nên phạt tài xế” – ông Tiến hỏi.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM.
Trả lời thắc mắc này, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết người ngồi trên xe tại vị trí có dây an toàn bắt buộc phát thắt dây an toàn; một số trường hợp không chấp hành thì sẽ được tuyên truyền. Nhưng đối với trường hợp của ông Nguyễn Quang Tiến, nếu hành khách không thắt dây thì người điều khiển phương tiện lẫn hành khách (người tham gia giao thông) đều phải bị phạt. Việc xử phạt người ngồi (hành khách) sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2018.
- Đối với việc tăng mức xử phạt nồng độ cồn, Trung tá Huỳnh Trung Phong khẳng định việc tăng mức phạt là đúng trọng tâm, vì qua thực tế công tác, một số vụ TNGT do vi phạm có nồng độ cồn là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
“Không chấp nhận việc người tham gia giao thông uống rượu bia mà điều khiển xe máy. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tại TP.HCM có 85 trường hợp người điều khiển xe máy tự té tự chết mà nhiều trường hợp liên quan đến nồng độ cồn. Do đó, làm sao tuyên truyền cho người dân biết tác hại rượu bia”.
Trung tá Phong cũng khẳng định việc tăng mức phạt với hành vi này khá cao nên quan trọng là phải tuyên truyền.
- Mở đầu buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Văn Chương đặt vấn đề về việc xử phạt vi phạm vượt đèn vàng giống với vượt đèn đỏ đang khiến bạn đọc hoang mang.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.HCM phát biểu tại giao lưu trực tuyến.
Về việc này, Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS cho rằng khi tiến hành xử phạt sẽ xây dựng văn hóa giao thông, việc xử phạt cũng không khó nhưng tác dụng rất lớn nâng ý thức tự giác chấp hành quy định giao thông đảm bảo an toàn an toàn khi tham gia giao thông. “Nhiều trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn dẫn đến TNGT. Do đó, chúng tôi xác định đây là hành vi nguy hiểm” – ông Phong nói.
Do đó trong quá trình xử phạt Phòng CSGT sẽ tuyên truyền và dùng hệ thống camera để xử phạt.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Văn Chương cho biết Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; có hiệu lực từ ngày 1-8, có những thay đổi. Trong đó có một số hành vi mức phạt tăng rất cao khiến dư luận băn khoăn, thắc mắc.
“Do đó ở thời điểm này, với tư cách là cơ quan truyền thông, chúng tôi phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến làm nhiệm vụ tuyên truyền đưa nghị định mới đến đông đảo bạn đọc, góp phần giải tỏa thắc mắc, băn khoăn của bạn đọc, người tham gia giao thông, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa” - ông Chương khẳng định.
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, đại diện taxi Vinasun.
Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ có hiệu lực. Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng tăng nặng mức phạt đối với một số vi phạm.
Không ít người dân (chạy xe máy, ô tô con) và các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách thắc mắc: Do đâu quy định như vậy? Khi mức phạt tăng, cơ quan chức năng có giải pháp gì để hạn chế, đẩy lùi tiêu cực? Khi bị dừng xe, lập biên bản xử phạt, người vi phạm không đồng thuận, có thắc mắc thì phải làm sao?…
Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến"Tăng mức phạt giao thông: Vì sao?" nhằm chuyển các thắc mắc của bạn đọc và các doanh nghiệp vận tải tới lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM và để được giải đáp tường tận, rõ ràng.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi ngay từ bây giờ và theo dõi buổi giao lưu trực tuyến từ 9 giờ sáng 1-8-2016.
Danh sách khách mời
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt
Hiện nay căn cứ theo các quy định pháp luật đang áp dụng cho lĩnh vực vận tải đường bộ trong đó có vận tải hành khách là Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì hiện nay nhiều hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô đang hoạt động trên địa bàn thành phố được tổ chức, sắp xếp linh hoạt, đảm bảo phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của người dân cũng như đảm bảo không vi phạm các quy định pháp luật và không gây ảnh hưởng xấu đến tình hình TTATGT trong đó có hình thức xe vận chuyển khách sử dụng phần mềm Uber, Grab,… Loại hình hoạt động này phát sinh trên địa bàn thành phố vào giữa tháng 4/2014, với đặc điểm vận chuyển khách thông qua việc ứng dụng phần mềm, hoạt động đón trả khách tự do.
Tuy không vi phạm về các hành vi đón trả khách không đúng bến bãi nhưng trong trường hợp các phương tiện vận tải hành khách theo hình thức này cũng như các hình thức kinh doanh vận tải hành khách khác vi phạm các quy định về điều kiện người điều khiển phương tiện, các quy định liên quan đến dừng, đỗ xe đón trả khách, chở quá số người quy định và các quy định hoạt động vận tải đường bộ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Từ ngày 01/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định xử phạt đối với vi phạm chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô từ 600.000 – 800.000 đồng, căn cứ điểm c, khoản 3, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP;
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hoặc 300.000 – 400.000 đồng, căn cứ điểm a, khoản 4, điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Như vậy khi chuyển hướng tại đoạn đường có hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức (ví dụ: cầu vượt…) thì ngườ điều khiển phương tiện giao thông không bắt buộc phải mở đèn báo tín hiệu hướng rẽ (đèn xi nhan).
Trường hợp người tham gia giao thông có những phản ánh, kiến nghị có thể liên hệ đường dây nóng Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an thành phố Hồ Chí Minh theo số điện thoại: 0994.67.67.67.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi.
Trước ngày 01/8/2016, căn cứ Nghị định 171/2013/NĐ-CP áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có quy định xử phạt Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở với mức phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng (tức mức trung bình là 750.000 đồng), tước GPLX 01 tháng, tạm giữ xe 07 ngày, căn cứ điểm b, khoản 5, điều 6.
Việc xác định mức độ vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn phụ thuộc vào số đo hiển thị trên máy đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT, không thể xác định vào số lượng rượu bia mà người điều khiển xe uống trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Như vậy, việc độc giả trên bị xử phạt như đã nêu là hoàn toàn đúng quy định.
CSGT thông báo lỗi vi phạm cho người dân từ hồ sơ lưu trên máy tính.
Trước ngày 01/8/2016, căn cứ Nghị định 171/2013/NĐ-CP áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng (vượt đèn đỏ) từ 200.000 – 400.000 đồng, tước GPLX 01 tháng, căn cứ điểm k, khoản 4, điều 6.
Do đó, hành vi của đọc giả là hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông - vượt đèn đỏ nên bị xử phạt như trên là hoàn toàn đúng.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi.
Căn cứ điểm a, khoản 6, điểm a, khoản 7, điểm a, khoản 8 và khoản 9, điều 15, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã có bổ sung quy định xử phạt như sau đối với hoạt động thu phí tại trạm thu phí đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện hành vi vi phạm để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750 m đến 1.000 m; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện hành vi vi phạm để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện hành vi vi phạm để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m. Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
Căn cứ điều 70, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, những cơ quan, đơn vị có quy định thẩm quyền xử phạt điểm a, khoản 6, điểm a, khoản 7, điểm a, khoản 8 và khoản 9, điều 15, Nghị định này khi xác nhận tin báo về tình hình TTATGT hoặc thực hiện nhiệm vụ TTKS phát hiện tình trạng vi phạm thì căn cứ trên số đo chiều dài dòng xe hoặc số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe để tiến hành xử lý theo quy định.
CSGT kiểm tra một trường hợp có dấu hiệu vi phạm giao thông.
Căn cứ điểm k, l, khoản 1, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy và chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Như vậy trên tất các loại xe ô tô và xe tương tự xe ô tô vị trí nào có trang bị dây an toàn thì người ngồi (nằm) tại vị trí đó phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên căn cứ khoản 7, điều 80, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định việc áp dụng quy định tại điểm k, điểm l, khoản 1, điều 5 Nghị định này để xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người điều khiển xe ô tô sử dụng điện thoại di động, thiếu tập trung quan sát gây ra. Mặt khác, căn cứ khoản 23, điều 8, Luật Giao thông đường bộ cũng đã có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm cả “hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Do đó căn cứ điểm l, khoản 3, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường để phù hợp với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập bên cạnh quy định tại điểm o, khoản 2, điều 6, Nghị định này xử phạt người đang điều khiển xe mô tô sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính có điều chỉnh tăng mức phạt so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP tăng từ 60.000 – 80.000 đồng lên 100.000 – 200.000 đồng.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi.
Căn cứ điểm c, khoản 3, điều 30 ,Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Do đó việc đeo tai nghe điện thoại là không được phép thực hiện đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và nếu vi phạm sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính thì người điều khiển xe sẽ bị xử phạt 100.000 – 200.000 đồng, căn cứ điểm o, khoản 3, điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Căn cứ thống kê số vụ TNGT đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong 08 tháng đầu năm có gần 60 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên có nguyên nhân xuất phát từ hành vi vi phạm về tốc độ điều khiển xe gây ra, chiếm 10% tổng số vụ TNGT. Đối với vi phạm về nồng độ cồn là 04 vụ chiếm 1%.
Tuy nhiên vi phạm về nồng độ cồn là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn giảm khả năng tập trung khi đang điều khiển xe, buồn ngủ thậm chí say rượu bia còn kích thích người điều khiển phương tiện dám thực hiện những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm như đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng…
CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Trong nhiều năm tiến hành rất nhiều giải pháp đồng bộ có sự phối hợp của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật, cảnh báo hậu quả nguy hiểm của vi phạm tốc độ và nồng độ cồn; lực lượng chức năng liên tục triển khai thực hiện rất nhiều cao điểm trên khắp cả nước xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm cũng như quy định các Nghị định 34, 71, 171, 107/NĐ-CP liên tục có những sự điều chỉnh nâng mức xử phạt (hình thức phạt tiền và phạt bổ sung) đối với các hành vi vi phạm thuộc 02 nhóm này tuy nhiên tình trạng người dân vi phạm vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ TNGT có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ và vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào các dịp diễn ra lễ, Tết có kỳ nghỉ dài. Do đó Nghị dịnh 46/2016/NĐ-CP có sự điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền, tăng thời gian tước quyền sử dụng GPLX và tạm giữ phương tiện là cần thiết, đảm bảo tăng tính răn đe ngăn tái phạm khi thực hiện cưỡng chế đối với người dân.
Việc xử lý hình sự hoặc áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện đối với các hành vi vi phạm này không phù hợp với tình hình thực tế tham gia giao thông, có thể gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên khi thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển xe tham gia giao thông vẫn có thể chịu sự điều chỉnh từ quy định Bộ Luật Hình sự.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông theo quy định xử phạt vi phạm hành chính tại các căn cứ điểm a, khoản 5, điểm b, khoản 12, điều 5, và điểm c, khoản 4, điểm b, khoản 12, điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP là gộp chung hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (vượt đèn vàng) và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” (vượt đèn đỏ) đối với người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng của Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Căn cứ điểm c, khoản 3, điều 10, Luật Giao thông đường bộ có quy định Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Tuy nhiên hiên nay khi lưu thông đến tín hiệu đèn vàng nhiều người dân vẫn chưa có ý thực tự giác giảm tốc độ để dừng lại mà vẫn tiếp tục đi (trừ tín hiện vàng nhấp nháy).
Hành vi vi phạm này kết hợp cùng hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông khác là vượt đèn đỏ xảy ra cùng một thời điểm tại giao lộ sẽ gây ra nguy cơ lớn dẫn đến TNGT. Xét thấy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ nên Phòng CSGT ĐB-ĐS cùng nhiều cơ quan chức năng khác đã duy trì thường xuyên việc tuyên truyền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấp hành nghiêm hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông để phòng tránh nguy cơ dẫn đến TNGT. Bên cạnh đó việc nâng mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đối với đèn tín hiệu giao thông đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông trong đó có vượt đèn vàng được điều chỉnh tăng và ngang với mức phạt vượt đèn đỏ là đúng trọng tâm và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế tham gia giao thông hiện nay.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Văn Chương trao hoa cho khách mời.