Ngày 13-7, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ và Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết Nghị định 46/2016 có nhiều điểm thay đổi mà người dân cần lưu ý. Trong đó có tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông.
1. Vi phạm về nồng độ cồn, phạt nặng!
PC67 cho biết sẽ tăng mức phạt cũng như tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn.
Cụ thể: đối với ô tô sẽ tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 – 18 triệu đồng; tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng lên 4-6 tháng.
Từ ngày 1-8, sẽ tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Ảnh: LÊ THOA
Đối với mô tô sẽ tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu từ 500 ngàn - 1 triệu đồng lên 1 – 2 triệu đồng; tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu từ 2 - 3 triệu đồng lên mức 3 - 4 triệu đồng. Đồng thời thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tăng từ 2 tháng lên 3 -5 tháng.
2. Vi phạm tốc độ, mức phạt tăng cao
Tương tự, đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ, tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h từ mức 4 - 6 triệu đồng lên mức 5 – 6 triệu đồng. Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h từ mức 2- 3 triệu đồng lên mức 3 – 4 triệu đồng.
3. Tăng mực phạt với vi phạm trên đường cao tốc
Ngoài ra, còn tăng mức phạt đối với nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc. Cụ thể, đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ tăng mức phạt tiền từ 200 – 400 ngàn đồng lên mức 500 ngàn – 1 triệu đồng; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 -3 tháng.
Đối với hành vi điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100 – 200 ngàn đồng lên mức từ 400 – 600 đồng. Còn việc người đi bộ đi vào đường cao tốc sẽ tăng mức phạt tiền từ 80 – 100 ngàn đồng lên mức 100 – 200 ngàn đồng;
4. Xử phạt việc sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy, ô tô
PC67 cũng cho biết, đối với Nghị định mới, hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe máy, ô tô sẽ bị xử lý nghiêm. Mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy là 100 - 200 ngàn đồng; còn riêng việc điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động bị phạt từ 600 - 800 ngàn đồng, áp dụng từ ngày 1- 1- 2017.
Theo PC67, hành vi trên vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông cho người điều khiển phương tiện cũng như người tham gia giao thông khác.
Trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, việc sử dụng điện thoại di động bằng một tay (tay còn lại điều khiển xe) sẽ khiến cho người lái xe giảm quan sát, khả năng xử lý tình huống kém cũng như không tập trung hoàn toàn vào việc điều khiển xe từ đó có thể dẫn đến nguy cơ va chạm hoặc tai nạn giao thông với người và phương tiện khác.
Do đó, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe trong suốt quá trình tham gia giao thông cho người lái xe, người ngồi trên xe, lực lượng CSGT trong thời gian tới sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo người dân không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt theo quy định để góp phần kéo giảm tình trạng vi phạm đối với hành vi này.
Hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển xe cũng sẽ bị xử phạt nghiêm. Ảnh: LÊ THOA
5. Xử phạt hành vi không gạt chân chống khi chạy xe
Nghị định 46 cũng quy định đối với hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1- 3 tháng.
PC67 cho biết thực tiễn công tác cho thấy hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy là hành vi vi phạm cố ý và đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên do xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện bản thân. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm này, lực lượng CSGT cũng xác định tập trung hướng đến nhóm đối tượng là thanh thiếu niên.
Riêng đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện quên không gạt chân chống trước khi điều khiển phương tiện, lực lượng CSGT sẽ nhắc nhở để họ nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân mình.
Sẽ tuyên truyền trước khi Nghị định 46/2016 có hiệu lực Trước khi Nghị Định số 46/2016 bắt đầu triển khai thực hiện, Phòng CSGT Đường bộ và đường sắt sẽ phối hợp với các cơ quan, Sở, ban, ngành và đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, báo cáo chuyên đề cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp cùng với cơ quan truyền thông và các đơn vị nghiệp vụ đưa tin về các điểm mới trong Nghị Định số 46/2016 giúp cho mọi người dân nắm nội dung và tinh thần của Nghị định. Bên cạnh đó, Phòng CSGT Đường bộ và đường sắt tổ chức tập huấn cho cán bộ CSGT và các lực lượng trực tiếp làm công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông để đảm bảo thực hiện tốt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời thường xuyên quán triệt toàn thể cán bộ CSGT phải chấp hành nghiêm quy trình công tác, điều lệnh CAND, tư thế tác phong, văn hóa ứng xử; trong quá trình lập biên bản, xử lý vi phạm phải giải thích cho người vi phạm biết rõ lỗi vi phạm, mức xử phạt cụ thể là gì để người dân rút kinh nghiệm và tránh tái phạm về sau. |