Nghị định được triển khai tới Ban An toàn giao thông, Thanh tra GTVT, doanh nghiệp vận tải và các trường, trung tâm đào tạo - sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm của 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở vào.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN
Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, trong 10 năm qua đã có tới tám nghị định về xử phạt vi phạm đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, do lĩnh vực giao thông vận tải luôn thay đổi (thêm đường cao tốc, thêm nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, loại hình kinh doanh vận tải…), các luật liên quan cũng thay đổi (Luật Doanh nghiệp, Luật Đo lường…), Việt Nam đã tham gia công ước Vienna về giao thông đường bộ… nên đòi hỏi nhiều hành vi phải mô tả rõ hơn và có mức xử phạt cao hơn.
“Số km đường cao tốc tăng thêm, xe máy đi chen vào cho tiện, cho nhanh nhưng chưa có chế tài xử phạt nên nguy cơ gây tai nạn là rất cao. Vì vậy Nghị định 46 phải đưa chế tài hành vi này vào để ngăn chặn, răn đe…” - ông Dũng dẫn chứng.
Cũng theo ông Dũng, mức xử phạt nhiều hành vi hiện chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn thì nay phải nâng lên…
“Việc thu phí gây ùn tắc, không chấp hành đúng các quy định về bảo trì đường bộ… thực tế đã có nhưng mức phạt chưa cao nay cần chế tài nghiêm khắc hơn. Một số hành vi nguy hiểm như uống rượu, bia khi lái xe, chạy xe quá tốc độ, chở quá tải và các hành vi liên quan kinh doanh vận tải… sẽ bị tăng mức phạt trong Nghị định lần này” - ông Dũng thông tin thêm.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra
Tại hội nghị, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN) giới thiệu cơ bản những điểm mới được bổ sung, điều chỉnh lần này.
Theo bà Hạnh, có những điều chỉnh tăng và giảm về mức phạt. Theo đó, mức phạt tăng cao chủ yếu tập trung vào các hành vi uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Các chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đảm bảo tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
Nhân viên đang hướng dẫn khách du lịch không được đi xe máy vào đường cao tốc.