Tăng tốc các dự án giao thông liên vùng Đông Nam Bộ

(PLO)- Dự án đường vành đai 3 kết nối nhiều tỉnh trong vùng sẽ về đích sớm nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TP.HCM và ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cùng ngồi lại để thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng. Không chỉ tại cuộc họp mà thực tế hiện nay, cả bốn địa phương đang dốc sức để triển khai thực hiện các tuyến đường trọng yếu, kết nối giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng và khu vực phía Nam.

Nhiều dự án giao thông liên kết vùng rục rịch khởi động

Lâu nay, các tuyến đường kết nối trong khu vực Đông Nam Bộ khá hạn chế. Trong đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã trở thành “thấp tốc” bởi thường xuyên kẹt xe, cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn chưa thể hoàn thiện sau nhiều năm thi công. Bên cạnh đó, Quốc lộ (QL) 1 cũng đã quá tải nhiều năm nay song vẫn chưa thể mở rộng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính liên vùng đang được các tỉnh lên kế hoạch triển khai. Cụ thể như đường vành đai 4, TP.HCM cùng các địa phương đang rục rịch khảo sát, lên phương án tuyến để sẵn sàng khởi công trong thời gian tới.

Dự án QL13 dài 140 km, kết nối giữa TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên dài 140 km. Tháng 4-2022, tỉnh Bình Dương khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một dài khoảng 12,7 km từ sáu làn xe lên tám làn xe.

Về phía TP.HCM, mới đây Sở GTVT TP đã đưa dự án mở rộng QL13 trên địa bàn TP với chiều dài 5 km vào danh mục 34 dự án công trình trọng điểm GTVT năm 2023. Dự kiến năm 2024 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025.

Điểm sáng nhất trong việc kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ là dự án đường vành đai 3. Hiện TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị cho việc khởi công dự án này vào tháng 6.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết hiện nay TP.HCM và các địa phương đang nắm vững tiến độ đường vành đai 3, sẽ khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 6 này.

Dự án đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dự kiến bàn giao 90% mặt bằng trước ngày 30-6. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dự kiến bàn giao 90% mặt bằng trước ngày 30-6. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bốn tỉnh đồng lòng tăng tốc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết các địa phương ở Đông Nam Bộ đã họp bàn để đưa ra phương án kết nối trong vùng. Theo đó, các dự án sẽ kết nối trong thời gian tới như khép kín các đường vành đai 3, 4; các cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

“Tuy nhiên, các dự án trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, vì vậy cũng cần họp bàn để đưa ra phương án kết nối, có lộ trình cụ thể và mức độ ưu tiên để mang lại hiệu quả tốt nhất” - ông Bằng nói.

Theo Sở GTVT TP, đối với các tuyến liên kết vùng, Sở GTVT đã xác định đến năm 2030 phải khép kín các đường vành đai 2, 3, 4. Cụ thể, đường vành đai 3 phấn đấu khởi công vào tháng 6-2023, khai thác vào năm 2026. Các tỉnh đang phối hợp triển khai đường vành đai 4, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời, TP đang làm việc với Bộ GTVT về việc mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành để tăng kết nối vùng.

Về phía tỉnh Đồng Nai, từ nay đến năm 2030 tỉnh này sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng như sân bay Long Thành; các đường vành đai 3, 4; các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương… Các dự án này nếu sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế cho Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Riêng dự án đường vành đai 3, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh xác định đây là dự án quan trọng, tỉnh đang bảo đảm tiến độ khởi công trước ngày 30-6.

Ngoài ra, theo bà Hoàng, để người dân yên tâm bàn giao đất cho dự án, tỉnh đang nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư, nắm bắt nhu cầu của người dân về tái định cư tại chỗ hay có thể đi nơi khác để có kế hoạch ưu tiên làm hạ tầng cho phù hợp.

Còn tại Bình Dương, tỉnh này đã chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trong đó, QL13 là tuyến giao thông trọng yếu, kết nối liên vùng Đông Nam Bộ được đầu tư mở rộng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng.

Ngoài ra, Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc đường vành đai 3, 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.

Tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai nhiều tuyến đường giao thông quan trọng khác như: TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, QL13C, tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng (nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai)…

Về đường vành đai 3, Bình Dương vẫn đang khẩn trương thực hiện công tác đo đạc đất đai, kiểm kê tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Bình Dương đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể được khởi công theo đúng dự kiến.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết đang yêu cầu các đơn vị liên quan nỗ lực, tăng tốc đẩy nhanh các bước thực hiện dự án, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chắc chắn, phù hợp với các quy định pháp luật.•

Bà Rịa-Vũng Tàu: Phối hợp triển khai đúng tiến độ

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các tỉnh, TP trong vùng Đông Nam Bộ có sự kết nối, phối hợp tốt để cùng triển khai các dự án giao thông kết nối liên vùng.

Chúng tôi đang triển khai theo đúng tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án cầu Phước An cũng đang hoàn tất để khởi công theo dự kiến.

Về tuyến giao thông thủy kết nối giữa TP.HCM và Côn Đảo sau khi có đề nghị của TP.HCM, tỉnh đã đề nghị huyện Côn Đảo rà soát, báo cáo lại về hạ tầng bến cảng, cơ sở dịch vụ hiện nay tại đảo trên tinh thần tạo điều kiện cho tuyến này sớm đi vào hoạt động.

Ông TRẦN THƯỢNG CHÍ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

KHÁNH LY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm