Tăng tốc dự án đốt rác phát điện ở TP.HCM -Bài 1: Người dân khổ sở vì ô nhiễm rác thải

(PLO)- Hàng chục năm nay, nhiều người dân sống cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước từ các bãi rác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, mỗi ngày phát sinh bình quân hơn 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng trong rác sinh hoạt cũng như đóng góp vào các thỏa thuận quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo TP.HCM đã đặt trọng tâm trong việc triển khai áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến có thu hồi năng lượng theo mô hình nhà máy đốt rác phát điện.

Hiện nay, trên địa bàn TP đang có năm công ty, đơn vị xử lý đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác sinh hoạt với TP bao gồm Công ty CP Vietstar (Vietstar), Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Tâm Sinh Nghĩa), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty CP Tasco (Tasco) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP (CITENCO). Trong đó, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp giấy phép xây dựng cho dự án chuyển đổi công nghệ.

Trước đó vào năm 2019, TP.HCM đã có dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) được khởi công, dự kiến vận hành vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có thêm một dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa khởi công lại vào ngày 20-7, các dự án còn lại vẫn chưa thực hiện được do vướng các thủ tục liên quan.

Trong khi các nhà máy đốt rác phát điện mãi chưa thể hoàn thành thì diện tích đất sử dụng để chôn lấp rác cũng tăng lên khi lượng chất thải mỗi năm tại TP.HCM thải ra môi trường ngày một tăng cao. Nghiêm trọng hơn đó là tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân ở gần Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc ngày càng khổ sở.

Ngán ngẩm khi sống cạnh bãi rác

Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi có quy mô hơn 197 ha. Mỗi ngày, khu này tiếp nhận khoảng 3.200 tấn rác thải. Rác thải tại đây được xử lý bằng cách đốt, ủ phân compost và chôn lấp nhưng do công nghệ lạc hậu nên gây ra tình trạng ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Trong khi chờ thực hiện các dự án đốt rác phát điện để có giải pháp xử lý mới hiệu quả hơn thì hàng trăm hộ dân sống quanh Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc và khu vực giáp ranh TP.HCM và Long An tiếp tục khốn khổ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khói bụi và mùi hôi thối.

Theo người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, từ khi bãi rác đi vào hoạt động, hàng chục năm nay họ phải sống chung với ô nhiễm. Cứ mỗi khi nắng gắt hay mưa lớn là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nước từ rác cũng rò rỉ chảy ra các rãnh nước, ruồi, muỗi phát sinh, đất đai bị nhiễm nước rỉ từ rác thải. Tình trạng này kéo dài từ lâu và người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với địa phương nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Không chỉ người dân phải chịu đựng mùi hôi thối, bụi bặm mà một số cây trồng của người dân còn bị hư rễ do ảnh hưởng từ nguồn nước rỉ rác. Người dân cho biết nhiều lần có đoàn xuống đo đạc để bồi thường, di dời bà con qua nơi ở khác nhưng cả chục năm qua vẫn không thấy động tĩnh gì.

đốt rác phát điện hình 1.jpg
Bãi chôn lấp rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đi dọc tuyến đường tại ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi mới thấy được cảnh người dân khổ sở khi phải chịu đựng mùi hôi khi sống cạnh bãi rác như thế nào. Nhiều ngôi nhà phải đóng chặt cửa không dám mở. Đáng lo hơn là nguồn nước sinh hoạt hằng ngày người dân sử dụng là nước giếng vì khu vực này chưa có nước máy. Lo ngại nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân phải đi xách nước từ nơi khác về để nấu ăn.

Ông Nguyễn Rai (ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) ngán ngẩm nói: “Nhà tôi ở rất xa nhưng cũng nhìn thấy núi rác. Điều đáng nói là núi rác càng ngày càng lớn. Mùi hôi quanh năm, nước rỉ rác vừa ảnh hưởng tới cây trồng vừa ảnh hưởng tới nguồn nước giếng. Nước từ nhà máy rác cũng tràn ra kênh rạch gây ô nhiễm, dòng nước đen kịt khiến cá chết hàng loạt. Nhiều khi ngửi mùi nước giếng hôi muốn ói nên chúng tôi không dám dùng. Phản ánh riết cũng đâu vào đấy không thấy thay đổi, rồi dân cũng phải bấm bụng mà sống, tiền đâu mà chuyển đi nơi khác”.

Liên quan đến một khu xử lý chất thải tại huyện Bình Chánh mà người dân cũng phản ánh có tình trạng ô nhiễm, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết người dân đã nhiều lần có ý kiến liên quan vấn đề ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Phía địa phương cũng đã phản ánh, kiến nghị trong thẩm quyền để giải quyết vấn đề này.

“Để giảm ô nhiễm môi trường, công ty cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế như trồng cây xanh hay áp dụng những công nghệ tốt hơn để xử lý rác. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm thì việc chuyển đổi công nghệ chôn lấp thành đốt rác phát điện là vô cùng cần thiết” - ông Huỳnh Cao Cường nói.

Tình trạng ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc còn lan tới tận khu vực giáp ranh thuộc huyện Đức Hòa, Long An.

Ông Huỳnh Văn Trọng (50 tuổi, người dân xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An) nói: “Ở khu vực này hôi lắm. Sáng gió thổi qua cũng hôi, chiều gió thổi lại cũng hôi. Nhất là lúc khuya, mùi hôi càng nồng nặc. Tình trạng này có từ khi hình thành khu xử lý tới nay. Mấy nay trời vừa đổ mưa xuống là bốc mùi dữ lắm”.

Tương tự, bà Lê Thị Hạnh (55 tuổi, người dân xã Tân Mỹ, tỉnh Long An) bức xúc cho hay dù nhà bà cách xa nhà máy xử lý rác cả cây số nhưng nhiều năm liền chịu đựng mùi hôi thối phát tán từng đợt. “Mỗi tuần nhà máy đốt rác 1-2 lần, mùi hôi thối thì khỏi nói. Người dân xung quanh đây sống chung với ô nhiễm, hôi thối riết cũng thành quen” - bà Hạnh nói.

Trồng cây xanh quanh khu vực xử lý chất thải

Trước thực trạng trên, UBND huyện Củ Chi cho biết huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP và các đơn vị liên quan xem xét bố trí vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án trồng cây xanh quanh khu xử lý chất thải, tạo quỹ đất dự trữ phát triển Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Dự án đã triển khai công tác kiểm kê từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền bố trí vốn thực hiện, khiến cho quyền lợi của người dân trong phạm vi dự án bị ảnh hưởng rất lớn.

đốt rác phát điện- hình 2.jpg
Người dân sống cạnh bãi chôn lấp rác ngán ngại khi môi trường bị ô nhiễm. Ảnh: HUỲNH DU

UBND huyện Củ Chi cho biết hiện nay Sở TN&MT TP.HCM đang thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trồng cây xanh cách ly tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Về trách nhiệm của địa phương, UBND sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan liên quan của huyện và UBND các xã theo dõi, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong lúc chờ thực hiện các dự án mới, thời gian qua nhà xưởng, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng bên trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã xuống cấp. Việc kiểm soát không chặt chẽ dẫn đến mùi hôi từ khu rác thải phát sinh gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh… Để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân, UBND huyện Củ Chi phối hợp với Sở TN&MT TP, các cơ quan liên quan kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính hành vi gây ô nhiễm, nhất là phát tán mùi hôi ra khu vực dân cư.

Long An: Nhiều lần trao đổi, phối hợp cử đoàn kiểm tra giải quyết

Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An, cho biết tỉnh Long An cũng đã nhiều lần trao đổi với TP.HCM, đồng thời phối hợp cử đoàn kiểm tra giải quyết, xử lý vấn đề này.

"Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi thỉnh thoảng cũng có ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm theo hướng gió bay qua ảnh hưởng tới người dân khu vực vùng giáp ranh Long An. Nắm thông tin này, chúng tôi đã trao đổi với phía Sở TN&MT TP.HCM. Sau khi có phản ánh phía TP.HCM cũng đã đi kiểm tra và có yêu cầu chủ đầu tư xử lý” - ông Thuấn cho hay.

Theo UBND huyện Đức Hòa, Long An, địa phương cũng đang khẩn trương tiếp nhận những phản ánh của người dân. Qua đó trao đổi, kiến nghị với các sở, ngành có liên quan về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm