TP.HCM: Khởi công nhà máy đốt rác phát điện gần 5.000 tỉ đồng

Dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-7, tại Huyện Củ Chi, TP.HCM đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1. Nhà máy giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW/ngày.

Dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được Công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy mua lại từ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trải qua hơn 20 năm, các đơn vị xử lý rác thải thuộc các Khu liên hợp xử lý chất thải của TP đã tiếp nhận, xử lý khoảng hơn 30 triệu tấn rác bằng các phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý thành phân compost, tái chế nhựa, góp phần rất lớn trong công tác xử lý rác thải của TP.

dot-rac-phat-dien-h2.jpg
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi lễ khởi công nhà máy đốt rác phát điện tại Củ Chi. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Cường đánh giá, theo thời gian chất thải rắn sinh hoạt gia tăng cùng với sự phát triển của các loại hình công nghệ tiên tiến dẫn đến việc TP cần các giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải hiện hữu, với tiêu chí xử lý chất thải bằng công nghệ mới nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng tài nguyên từ rác thải. Một trong số những công nghệ tiên tiến đó là đốt rác thu hồi năng lượng để phát điện.

"Dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng. Đây là một trong những dự án xử lý chất thải rắn đầu tiên của TP được triển khai theo Nghị quyết số 98 và Nghị quyết số 28/2023/NQ- HĐND góp phần giải quyết bài toán đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường TP”- ông Cường thông tin."

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ: Việc khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, đánh dấu sự hưởng ứng tích cực của những doanh nghiệp đang xử lý rác sinh hoạt cho thành phố, trong giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Qua sự kiện này sẽ tiếp tục có thêm các doanh nghiệp chung tay cùng TP ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế rác thải kết hợp thu hồi năng lượng, nâng cao chỉ tiêu xử lý chất thải rắn của TP hướng tới năm 2030 đạt 100% công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng.

"Công trình xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, góp thêm điểm nhấn cho sự kiện trọng đại của đất nước trong gần một năm nữa. Tại vị trí này, chúng ta vui mừng nhận thấy hình hài của một nhà máy đốt rác phát điện hiện đại, góp phần thay đổi bộ mặt môi trường TP”, ông Thắng nhấn mạnh.

dot-rac-phat-dien-h1.jpg
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy, đánh giá, nhà máy đốt rác phát điện áp dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về khí thải, nước thải tại các nước phát triển và phù hợp với điều kiện đặc thù rác thải Việt Nam. Nhà máy sẽ giải quyết được thách thức rác thải chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao và nhiệt trị thấp tại nước ta.

“Chúng tôi kỳ vọng sau khi giai đoạn 1 của Nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giúp TP giải quyết 20-25% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày. Tỉ lệ xử lý rác thải sẽ được nâng lên 60-80% khi nhà máy lần lượt hoàn thiện giai đoạn 2 và 3. Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn hỗ trợ thành phố và người dân xử lý những bãi rác khác còn tồn đọng, bảo vệ sức khỏe người dân, để TP ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”- ông Tuấn nêu.

Nhà máy đốt rác phát điện được triển khai qua 3 giai đoạn

Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được BCG Energy xây dựng trên diện tích có quy mô 20 ha, chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 với công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khoảng 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2/năm.

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2025-2026, công suất xử lý rác của nhà máy sẽ được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện có thể lên đến 130MW. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Tâm Sinh Nghĩa dự kiến sẽ là Nhà máy đốt rác phát điện có công suất lớn nhất thế giới.

Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2029, các cải tiến về kỹ thuật và công nghệ có thể giúp công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến đạt 1.216 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng điện của 338 nghìn hộ dân, giúp giảm phát thải khoảng 882.000 tấn CO2 mỗi năm.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital và BCG Energy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm