Chiều 28-6, hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Một trong những nội dung được hội nghị tập trung thảo luận cho ý kiến là vấn đề xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TP.
Làm thêm 79 cây cầu mới
Theo tờ trình của UBND TP về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TP, những năm qua TP đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được tập trung phát triển nâng cấp mở rộng.
Cụ thể, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và vượt tiến độ như cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Sa - Trường Sa, hoàn thành số cầu vượt vĩnh cửu tại các nút giao thông. TP đã triển khai, phối hợp và hỗ trợ thực hiện hoàn thành các công trình giao thông liên vùng: Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Đến nay, sau năm năm thực hiện, tổng chiều dài đường cải tạo và làm mới là hơn 270 km, đạt 112,6% chỉ tiêu đề ra; xây dựng 79 cây cầu mới, đạt 158% chỉ tiêu đề ra, nâng mật độ đường giao thông là 1,98 km/km2.
Tuy nhiên, trên thực tế trong khi tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp thì việc đầu tư kết nối giữa các phương thức vận tải, phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa cao, chưa khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, do sự tăng trưởng của ngành hàng không, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị chưa đạt yêu cầu.
Đường Phạm Văn Đồng là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM đã hoàn thành và vượt tiến độ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng lộ trình kiểm soát, hạn chế xe cá nhân
Để phát triển đồng bộ hạ tầng về giao thông, UBND TP cũng đã đề ra các nhóm giải pháp, trong đó từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian nhằm điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn phát triển; gắn công tác quy hoạch với tái cấu trúc ngành nghề, đảm bảo kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng; khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng lớn như sân bay, cảng biển…
TP.HCM cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông. Chú trọng các nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đầu tư cho các công trình giao thông. Cùng với đó, TP sẽ ưu tiên tập trung vốn cho những công trình giao thông có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác, phát huy ngay tác dụng; đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải.
Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng lộ trình kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển giao thông công cộng.
Năm 2018, phải nối liền các tuyến vành đai
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP chuẩn bị hội nghị kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển hạ tầng. Riêng lĩnh vực giao thông, ông Nhân đề nghị cần nối liền được đường vành đai 2 và vành đai 3, phấn đấu năm 2018 các tuyến đường này phải thông suốt.
Theo ông Nhân, vừa qua TP đã phân loại các dự án ưu tiên để đầu tư, triển khai nhiều hình thức huy động vốn. Hợp tác công-tư là hướng đi đúng, nguồn vốn này đã tạo điều kiện khuếch trương vốn ngân sách. Gắn với việc phát triển hạ tầng phải rà soát lại các quy hoạch hạ tầng để đảm bảo tính khoa học, tăng tính thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ông Nhân cho rằng một trong những việc làm cần thiết là phân loại các dự án có nhu cầu về vốn đầu tư, trong đó các công trình phục vụ nhu cầu xã hội ngoài y tế, giáo dục là đầu tư chống sạt lở bờ sông rất quan trọng. Trong phát triển hạ tầng kêu gọi thu hút đầu tư phải được thực hiện trên con đường cạnh tranh công bằng giữa các nhà đầu tư.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân còn đề nghị rà soát lại các quy hoạch hạ tầng, bởi vì các quy hoạch này hầu hết đã được thông qua cách đây 15 năm, từ những năm 2000. “Tầm nhìn và điều kiện lúc đó khác, cho nên phải rà soát lại để đảm bảo tính khoa học và tăng tính thực tiễn” - ông Nhân nói.
Không để nhà dân sập xuống sông mới đi xử lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập trực tiếp đến năm căn nhà sập xuống sông trong đêm ở huyện Nhà Bè vừa xảy ra. Ông yêu cầu huyện khẩn trương báo cáo nhanh cho UBND TP, trong đó phải có phương án dự báo tình hình chứ không để sự việc xảy ra mới đi xử lý hậu quả. Bí thư Nhân cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tất cả quận, huyện trên địa bàn TP rà soát những nơi nhà dân có nguy cơ bị sập xuống sông để trong thời gian tới sẽ có buổi họp bàn về vấn đề này. “Nhà sập đến đâu mới xử lý đến đó là không ổn. Nếu coi tính mạng người dân là quan trọng thì phải xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, yêu cầu chúng ta phải ưu tiên xử lý. Trong tháng 8, UBND TP phải có kế hoạch rà soát lại, không vì thiếu tiền mà cứ sập rồi mới lo xử lý là không được” - ông Nhân nói. Phấn đấu sạch bóng trộm cướp ở khu trung tâm Về an ninh trật tự, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh Công an TP đã ra quân đấu tranh làm cho tội phạm giảm, giữ được bình yên cho nhân dân. Song ông Nhân cũng cho rằng trong chống tội phạm làm sao phải kết nối được camera của người dân với camera của công an phường, tạo thành hệ thống liên kết để công an phường ngồi một chỗ sẽ quan sát được hết các đường phố trên địa bàn. “Phải đẩy nhanh việc này, ưu tiên quận 1, 3 và 4. Ba quận trung tâm phải đẩy mạnh xây dựng hệ thống giám sát. Phấn đấu để trung tâm TP phải là trung tâm an toàn, phấn đấu để sạch bóng trộm cướp ở trung tâm TP, nếu mô hình tốt sẽ nhân rộng sang các quận khác” - ông Nhân nói và cho rằng giải pháp này vừa là bảo vệ khách du lịch, vừa là tạo niềm tin trong dân. |