Chiều 30-10, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) có hai chất vấn đáng chú ý dành cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Ông Tuấn hỏi: “Còn hơn 11.700 tội phạm truy nã đang nhởn nhơ ngoài xã hội. Xin bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ để giảm tính nguy hại đó?”.
Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận việc tồn tại số lượng lớn bị can truy nã đã gây những hành vi nguy hiểm cho xã hội, kết quả điều tra, đấu tranh với tội phạm chưa hoàn thành. Đặc biệt, sự nghiêm minh của luật pháp đối với người vi phạm pháp luật chưa được đảm bảo.
“Phải tập trung để truy bắt những đối tượng trốn truy nã” - ông nói và thông tin về các giải pháp Bộ Công an đang triển khai. Cụ thể, tăng cường công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, tăng cường việc “nắm người, nắm hộ” ngay từ dưới cơ sở, đặc biệt là quản lý các giấy tờ tùy thân. Cạnh đó, tăng cường thông tin tội phạm, khi mỗi đơn vị xử lý phát hiện ra các đối tượng trốn truy nã phải có thông tin tội phạm rộng rãi trong lực lượng và nhân dân; phối hợp với các lực lượng khác như biên phòng, không để họ chạy trốn ra nước ngoài; hợp tác với các lực lượng quốc tế...
ĐB Tuấn cũng đặt câu hỏi đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí: “Vụ án chạy thận làm chết người ở Hòa Bình, BS Hoàng Công Lương ba lần bị thay đổi tội danh. Vậy vai trò của kiểm sát viên ở đây ra sao? Chất lượng điều tra chúng ta phải đánh giá như thế nào?”.
Trả lời, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng đây là vụ án hết sức phức tạp, hậu quả rất nghiêm trọng, làm chết chín người. “Đây là điều đáng tiếc và trách nhiệm của cơ quan tố tụng là phải chứng minh được đúng bản chất của tội phạm” - ông nói và cho hay trong quá trình tố tụng, việc xác định tội danh, đánh giá chứng cứ... có thể bị thay đổi khi xuất hiện yếu tố mới, tình tiết mới, chứng cứ mới. “Việc điều chỉnh tội danh để đảm bảo đúng bản chất tội phạm, không oan, không lọt. Đó là lẽ đương nhiên đối với những vụ án phức tạp như thế này” - ông nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (ĐB Quốc hội Nam Định) chất vấn ông Tô Lâm và ông Lê Minh Trí về chất lượng điều tra tội phạm.
Bà dẫn báo cáo của Chính phủ năm 2018, theo đó số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và ngày càng gia tăng, hơn 12.000 vụ và hơn 2.000 bị can, tăng 4% về số vụ và 6,7% về số bị can và đề nghị cho biết nguyên nhân chủ quan cũng như giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay số lượng vụ án, bị can tạm đình chỉ hoặc đình chỉ tăng mạnh do thực hiện quy định mới của BLHS 2015. Về nguyên nhân chủ quan, theo ông là chiếm tỉ lệ rất nhỏ, 24 trường hợp (chiếm 0,75%), trong đó 18 bị can đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, sáu trường hợp hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.
“Đối với các trường hợp này, chúng ta phải kiểm tra, đánh giá từng trường hợp cụ thể mới xác định vấn đề oan, sai và bồi thường thiệt hại” - bộ trưởng Công an cho hay.
Chia lửa sau đó, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định ngành kiểm sát đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế việc này. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cũng có mặt tích cực. “Trong đấu tranh với tội phạm, có những việc chúng ta không khởi tố, không bắt thì cũng không điều tra được… Nhưng khi làm thì quá trình phân loại, rà soát sẽ có những việc thấy không đủ yếu tố, chúng ta đình chỉ hoặc tạm đình chỉ để đảm bảo ngăn chặn oan, sai” - ông Trí nói.