Tất niên xóm

Dạo một vòng qua các khu phố ở bất cứ một thành phố nào hiện nay vào mỗi chiều là sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh ăn nhậu lu bù, ca hát vang trời đất. Nếu chẳng có việc gì để làm, chỉ mỗi một việc đi ăn tất niên không thôi thì cũng không đủ thời giờ mà đi nữa.

Thời đất nước còn khó khăn, được ai mời đi ăn cỗ là một niềm vui, song bây giờ mà nghe ai đó mời ăn tất niên, thú thật là rất ngại. Ngày nào cũng “ăn tất niên” thì đúng là một cực hình. Không đi thì sợ mất lòng người mời, mà đi thì không chịu thấu với cảnh bia rượu lu bù và ca hát điếc tai điếc óc.

 Người trong cuộc (chủ lễ cúng) cũng chẳng sung sướng gì, chẳng qua vì thấy hàng xóm cúng, ca hát tưng bừng mà mình không làm như “người ta” thì sợ mang tiếng keo kiệt. Một chút sĩ diện hão ấy thôi đã thành hiệu ứng domino: nhà nhà tất niên, người người tất niên. Vì lẽ đó, nhiều người vào dịp cuối năm với bao bộn bề công việc nhưng rồi cũng phải sắp xếp làm sao đó, thậm chí trốn việc cơ quan để lo tất niên.

Theo phong tục người Việt, có lẽ chỉ có hai lệ cúng không thể bỏ qua vào dịp cuối năm âm lịch. Đó là cúng đưa ông Táo (23 tháng chạp) và cúng rước ông bà vào chiều 30 tết. Còn tất niên thì không hẳn là lệ cúng có tính “bắt buộc” như hai lệ trên mà thường thì gia chủ chỉ thực hiện lời tâm nguyện của mình về một điều gì đó trong năm. Ấy thế mà, những năm gần đây, chuyện cúng tất niên đã thành “trăm hoa đua nở” với cảnh mời mọc cả trăm khách.  Không ít những trường hợp tai nạn xảy ra từ những cuộc vui “bất tận” ấy.

Cứ tưởng câu chuyện cúng tất niên liên tu bất tận này không có lối thoát thì hai năm nay, một số khu dân cư ở các thành phố đã tìm được lối thoát ngoài sự “chỉ đạo” của ngành văn hóa. Đó là tất niên xóm. Thấy cảnh hết nhà nọ đến nhà kia tất niên, vừa mất thời gian lại vừa lãng phí tiền bạc, bác hưu trí của xóm bèn nghĩ ra giải pháp tối ưu: Hay ta chọn thời điểm thích hợp, địa điểm thuận lợi, kẻ ít người nhiều, góp vào lo chung một bữa? Cả xóm đồng thanh giơ tay “nhất trí”.

Tất niên xóm là dịp để láng giềng gặp mặt nhau đông đủ sau một năm làm lụng vất vả. Họ thăm hỏi tình hình làm ăn, chuyện học hành của con cái, chuyện tiến thân của mỗi người. Đặc biệt, nhiều tổ dân phố, qua cuộc tất niên xóm, họ đã góp tiền để “lo tết” cho nhiều trường hợp rủi ro hoặc bệnh tật trong xóm. Ý nghĩa của tất niên xóm đã vượt ra ngoài một lệ cúng thông thường là ở chỗ đó.

Theo Trà Sơn (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới