Trước vấn đề có hơn 3.500 tàu cá có chiều dài dưới 15 m, công suất 90 CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.
Phải theo thông lệ quốc tế
. Phóng viên: Thưa ông, cơ sở pháp lý nào để không cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi cho tàu cá dài dưới 15 m?
+ Ông Nguyễn Văn Trung: Theo Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019 thì tàu cá phải có chiều dài trên 15 m mới được hoạt động, khai thác tại vùng khơi. Trước đó, hoạt động đánh bắt cá tuân theo Luật Thủy sản năm 2003 nên trên cả nước có khoảng 35.054 tàu cá được hoạt động ở vùng khơi. Khi bắt đầu thực hiện theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019, rà soát thì có tới 31.541 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên được hoạt động tại vùng khơi. Còn lại sẽ có 3.513 tàu cá có chiều dài dưới 15 m, công suất từ 90 CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi.
. Cơ sở kỹ thuật nào để không cấp hạn ngạch cho tàu dưới 15 m?
+ Việt Nam ta quản lý tàu cá bằng công suất, còn nghề cá khu vực và trên thế giới đều quản lý tàu cá bằng độ lớn, mức choán nước, rẽ sóng và chiều dài của tàu. Đây là cơ sở kỹ thuật, cách quản lý khoa học mà khi hội nhập thì ta phải theo. Nếu mình cứ quản lý tàu cá bằng công suất (sức ngựa - CV) thì khi đi đến các diễn đàn nghề cá thế giới, đọc lên rằng chúng tôi có 1.000 tàu cá có CV từng này, các nước bạn, thế giới họ không hiểu. Nếu nói chúng tôi có 1.000 tàu cá dài 15 m thì họ sẽ hiểu ngay. Vì hội nhập mà mình phải đổi. Nếu hội nhập mà mình không đổi thì thế giới không biết mình là ai. Lại nữa, các loại cá đánh bắt được dành cho xuất khẩu mà mình không cho biết xuất xứ đánh bắt từ đoàn tàu cá dài trên 15 m thì họ không cho nhập cá vào nước họ. Đó là “luật chơi” của thế giới mà ta phải tuân theo!
. “Tiêu chuẩn” tàu phải dài trên 15 m phải dựa trên đặc điểm sóng, gió, dòng chảy của vùng biển khơi mà tàu cá thường xuyên đánh bắt?
+ Đúng vậy! Muốn con tàu hoạt động ở ngoài khơi an toàn thì phải có kích thước lớn, chiều dài từ 15 m trở lên thì mới qua được mức sóng của vùng biển mà chúng ta khai thác. Để lấy con số 15 m,
chúng tôi đã phải tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tham khảo ý kiến của nhiều nước trên thế giới. Con số 15 m phù hợp với nghề cá khu vực. Thái Lan, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á đều lấy con số này. Con số 15 cũng là bước sóng trên biển. Ví dụ vùng biển ở châu Âu, vùng biển Na Uy họ không dùng con số 15 m vì bước sóng của họ ở mức 16-16,5 m. Ở vùng biển Đông có bước sóng vừa phải, do đó chiều dài của con tàu phải lớn hơn bước sóng trung bình ở vùng biển đó thì tàu mới an toàn, không bị chìm trong điều kiện sóng gió bình thường.
Tàu cá dưới 15 m nằm bờ ở vùng biển tỉnh Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Không vươn khơi thì đi lộng
. Bộ NN&PTNT có cách giải quyết nào với số tàu cá dưới 15 m không được cấp giấy phép khai thác ngoài khơi?
+ Bộ đã hoàn thiện và ban hành Công văn số 5411 ngày 30-7-2019. Theo đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu hoán cải tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Các tỉnh/thành phải tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận, cấp giấy tờ hoán cải tàu cho chủ tàu cá theo đúng quy định. Sau khi tàu cá hoán cải xong thì phải cấp giấy phép khai thác thủy sản ngoài khơi cho chủ tàu. Bộ cũng nhấn mạnh các tỉnh/thành phải rà soát, cập nhật (số tàu vừa hoán cải xong), báo cáo để Bộ xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ngoài khơi. Thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch là trước 31-12-2019.
. Hiện nhiều ngư dân, chủ tàu lo lắng Bộ sẽ “quyết liệt”, cắt ngay hạn ngạch với tàu cá dài không đủ 15 m?
+ Không! Không! Bộ không thực hiện việc “cắt một phát” xong ngay với giấy phép khai thác ngoài khơi. Hiện người dân vẫn đang ra khơi đánh bắt cá bình thường. Có những tàu đến tháng 5-2020 mới hết hạn giấy phép và như nói ở trên, Bộ đang theo sát, chỉ đạo tích cực việc hoán cải tàu của người dân. Do đó, tuy nói là nằm trong số tàu không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi nhưng thực tế họ vẫn còn thời hạn hoạt động trong giấy phép đã cấp trước đó. Hiện chưa có tàu nào nằm bờ vì nguyên nhân không được cấp giấy phép hạn ngạch mà do các nguyên nhân khác như không đủ các thiết bị định vị, liên lạc khi xa bờ…
. Với các tàu không hoán cải, chủ tàu không muốn vươn khơi thì liệu có phải nằm bờ?
+ Đến nay Bộ đã nắm bắt được trong hơn 3.500 tàu cá có chiều dài dưới 15 m thì có khoảng 1.000 tàu cá mà chủ tàu không có nhu cầu đánh bắt thủy sản ngoài khơi nữa và quyết định khai thác ở vùng lộng, vùng biển gần bờ. Các thủ tục về đánh bắt gần bờ được Bộ và các tỉnh/thành tạo thuận lợi tối đa cho ngư dân, chủ tàu. Như vậy sẽ tạo ra đội tàu đánh bắt cá của ta vừa có tàu vươn khơi, vừa có tàu đi lộng. “Vươn khơi, đi lộng, tàu ra, thuyền vào” - như một câu thơ!
. Xin cám ơn ông.
Miền Trung bị ảnh hưởng nặng Bình Định hiện có 6.115 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản, trong đó có 723 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên nhưng có chiều dài dưới 15 m đang hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi phải chuyển sang hoạt động khai thác thủy sản ở vùng lộng theo quy định. Do khối tàu trên đang hoạt động các nghề khai thác ở vùng khơi như câu cá ngừ đại dương, lưới vây khơi, mành chụp… nên nếu chuyển vào hoạt động ở vùng lộng sẽ không phù hợp với đối tượng khai thác, gây ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp của ngư dân. Một số tỉnh khác như Phú Yên, Khánh Hòa cũng ở trong tình trạng tương tự. |