Tàu du lịch Cát Bà bị cấm vào vịnh Hạ Long

Từ năm 2012 tới nay, tàu du lịch chở khách đi vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) không được phép đi vào vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Tàu du lịch từ vịnh Hạ Long cũng không được đi sang vịnh Lan Hạ dù hai vịnh này giáp ranh nhau.

Hai vịnh liền kề nhưng không được sang

Ông Phạm Văn Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quỳnh Trang (trụ sở ở thị trấn Cát Bà, Hải Phòng), cho biết doanh nghiệp này hiện có bốn tàu du lịch nhưng chỉ chở khách đi tham quan vịnh Lan Hạ chứ không dám sang vịnh Hạ Long.

Theo ông Hoàn, trước đây tàu du lịch vẫn chở khách tham quan qua lại giữa hai vịnh Hạ Long và Lan Hạ rất thoải mái. Tuy nhiên, từ năm 2012, các tàu du lịch của Cát Bà bị “cấm cửa” không được sang vịnh Hạ Long nữa. “Tàu nào đi qua ranh giới vịnh Hạ Long sẽ bị địa phương này kiểm tra, buộc phải quay về, thậm chí còn bị xử phạt. Sau thời gian dài bị xử lý gắt gao, các tàu du lịch Cát Bà không còn dám vào vịnh Hạ Long” - ông Hoàn nói.

Ông Hoàn cho biết mỗi năm Cát Bà đón hàng triệu lượt khách. Trong số này có rất nhiều người muốn tham quan cả vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long. Việc kết nối tuyến du lịch giữa hai địa phương sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, đem lại lợi ích cho cả du khách và các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, hiện tại du khách sau khi tham quan Cát Bà, muốn đi vịnh Hạ Long phải đi đường bộ từ Gia Luận sang Tuần Châu. Tương tự, du khách đi vịnh Hạ Long muốn tham quan Cát Bà cũng phải đi đường bộ sang.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Cát Bà cho hay đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị ban quản lý vịnh Hạ Long cho phép đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long nhưng không nhận được hồi âm.

Chưa có tuyến luồng, tàu du lịch Cát Bà không có cửa vào vịnh Hạ Long. Ảnh: Đ.HOÀNG

Vì thiếu tuyến luồng?

Ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh, cho biết danh thắng vịnh Hạ Long được Quảng Ninh quản lý theo dạng đặc biệt. Ngoài các quy định của pháp luật, Quảng Ninh còn có những quy định riêng nhằm quản lý tốt hoạt động du lịch ở đây. Tàu du lịch Cát Bà bị cấm vào vịnh Hạ Long là do chưa có tuyến luồng du lịch nào được mở giữa Cát Bà và Hạ Long.

Ông Huy cho hay tàu du lịch hoạt động trên biển phải tuân thủ Luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Du lịch. Trước hết phải có luồng đường thủy được công bố với cơ sở hạ tầng như cảng, bến, hệ thống phao tiêu, biển báo. Luồng phục vụ cho du lịch phải được đầu tư cơ sở hạ tầng ở các điểm tham quan du lịch. Tàu du lịch phải đi theo tuyến, tuyến đó phải đồng bộ với luồng đường thủy.

“Hiện tại vịnh Hạ Long đã được công bố năm tuyến du lịch. Các tuyến 1, 2, 3, 4 từ Tuần Châu đi vịnh Hạ Long, riêng tuyến 5 kết nối Hạ Long với Cát Bà (giữa Tuần Châu với Gia Luận). Khách từ Hải Phòng sang vịnh Hạ Long phải đi qua phà theo tuyến này và ngược lại” - ông Huy nói và cho hay việc kết nối du lịch Hạ Long - Cát Bà đã được đặt ra tại nhiều cuộc hội thảo. Tuy nhiên, đến nay giữa Cát Bà và Hạ Long chưa có luồng tuyến nào được công bố theo quy định nên các tàu du lịch Cát Bà không thể sang Hạ Long, tàu du lịch Hạ Long cũng không được qua Cát Bà.

Hai tỉnh chưa làm việc với nhau

Ông Huy cho biết muốn công bố được luồng tuyến này, trước hết lãnh đạo Hải Phòng và Quảng Ninh phải bàn bạc, thống nhất với nhau. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giữa hai bên phải có sự phối hợp trong quản lý và kiểm soát, kịp thời xử lý khi có sự cố mất an toàn xảy ra với tàu du lịch. Có luồng tuyến rồi thì tàu du lịch Cát Bà muốn vào vịnh Hạ Long phải đảm bảo các tiêu chí mà Quảng Ninh đã đặt ra đối với tàu du lịch như an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, lắp định vị GPS, sơn màu trắng…

“Khi đi kiểm tra ở vùng biển giáp ranh giữa Hạ Long và Cát Bà (khu vực Rặng Dừa), tôi thấy phía bên Cát Bà chưa có hệ thống cầu cảng, biển báo, phao tiêu, tàu du lịch đỗ ở cầu cảng của cảnh sát biển” - ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, từ năm 2013, giữa TP Hạ Long và huyện Cát Hải đã ký kết một quy chế phối hợp quản lý vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, trong đó có việc tuần tra, giám sát hoạt động tàu du lịch và du khách. từ đó tới nay, chưa bao giờ Hạ Long nhận được văn bản của Cát Hải về quản lý luồng tuyến du lịch.

Chiều 29-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, xác nhận việc liên kết du lịch vùng, cụ thể là việc mở luồng tuyến du lịch giữa vịnh Hạ Long và Cát Bà trong thời gian gần đây chưa được lãnh đạo Hải Phòng và Quảng Ninh bàn thảo.

Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cũng cho hay từ năm 2016 tới nay, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh chưa trao đổi cụ thể việc đầu tư cơ sở hạ tầng để công bố luồng, tuyến du lịch giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long. Vì thế, tình trạng “cấm cửa” tàu du lịch nêu trên sẽ chưa thể dỡ bỏ trong thời gian gần.

52 tàu du lịch đang hoạt động tại khu vực Cát Bà, trong đó có 32 tàu của Hải Phòng và 20 tàu của Quảng Ninh. Hiện các doanh nghiệp đang xin đầu tư thêm khoảng 40 tàu lưu trú qua đêm trên biển. Tuy nhiên, do bị “cấm cửa”, tàu du lịch Cát Bà chỉ chạy loanh quanh vịnh Lan Hạ và các điểm tiếp giáp với vịnh Hạ Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới