Hãng Reuters đưa tin Philippines ngày 18-11 đã lên án "mạnh mẽ" hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc khi chặn và phun vòi rồng vào hai tàu tiếp tế của Manila trên đường đến bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 18-11 cho biết không có ai bị thương trong sự cố ngày 16-11 tại bãi Cỏ Mây.
Tuy nhiên, các tàu thuyền của Philippines đã phải hủy bỏ nhiệm vụ và quay về bờ.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: AP
“Các hành động của hải cảnh Trung Quốc là phi pháp. Trung Quốc không có quyền thực thi pháp luật trong và xung quanh các khu vực này. Họ phải thận trọng và lùi bước" – đài ABS-CBN dẫn lời ông Locsin tuyên bố.
Ông Locsin cũng nhắc nhở phía Trung Quốc rằng các tàu công vụ cũng thuộc phạm vi Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ-Philippines.
Vị ngoại trưởng cho biết đã chuyển "những lời lẽ mạnh mẽ nhất" thể hiện "sự phẫn nộ, lên án và phản đối về vụ việc" tới Đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Ông Locsin cảnh báo việc Bắc Kinh "không tự kiềm chế có thể đe dọa mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng trái phép. Bắc Kinh và Manila đều đưa ra yêu sách chủ quyền với khu vực này.
Philippines sử dụng BRP Sierra Madre, tàu chiến cũ mắc cạn ở bãi Cỏ Mây hồi năm 1999, làm tiền đồn cho một nhóm lính thủy đánh bộ trú đóng nhằm duy trì hiện diện trái phép tại thực thể này. Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần gây hấn, chặn tàu tiếp tế của Philippines đến bãi Cỏ Mây.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.