Tàu Mỹ và Trung Quốc đuổi nhau ở Hoàng Sa

(PLO)- Washington bác bỏ mọi tuyên bố từ Bắc Kinh cho rằng tàu Mỹ đã bị Trung Quốc xua đuổi khỏi vùng nước xung quanh quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) Đàm Khắc Phi phản đối việc Mỹ điều tàu đến các vùng nước xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng TQ chiếm đóng trái phép và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền), theo hãng tin AP.

“Chúng tôi nghiêm túc yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay những hành động khiêu khích như vậy, nếu không, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng do những sự cố không mong muốn do việc này gây ra" - ông Đàm nhấn mạnh, đồng thời cho biết tàu Mỹ "đã bị xua đuổi" khỏi khu vực quanh Hoàng Sa.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius tuần tra ở Biển Đông ngày 24-3. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius tuần tra ở Biển Đông ngày 24-3. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tuyên bố của phía TQ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày 24-3 tiếp tục điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius đến gần quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền vô căn cứ của TQ và "duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông". Trước đó, Mỹ xác nhận đã điều tàu đến gần Hoàng Sa với mục đích tương tự trong ngày 23-3, đồng thời bác bỏ thông tin từ TQ cho rằng tàu Mỹ đã bị xua đuổi khỏi khu vực.

“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, cũng như quyền tự do kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông" - người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ, ông Luka Bakic nói ngày 24-3.

“Mỹ thách thức các yêu sách hàng hải quá mức trên khắp thế giới bất kể danh tính của bên yêu sách là gì" - ông Bakic nói thêm.

Ngoài ra, ông Bakic cũng bác bỏ thông tin tàu Mỹ một lần nữa bị TQ xua đuổi. Ông khẳng định tàu Mỹ “không bị xua đuổi” trong ngày 24-3 và “tiếp tục tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải thường lệ ở vùng biển quốc tế” sau khi kết thúc nhiệm vụ gần Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị TQ chiếm đóng trái phép. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Cũng trong ngày 24-3, thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 2 ngày, tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo phía Mỹ, cuộc tập trận đánh dấu lần hợp tác quân sự song phương đầu tiên với EU trong mục tiêu ngăn chặn những hành động khiêu kích của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Cuộc tập trận là một phần trong cam kết chung của EU và Mỹ nhằm hướng tới hợp tác hàng hải thiết thực và hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” - theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc tập trận diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-3 tại một địa điểm không được tiết lộ, với các hoạt động trao đổi nghiệp vụ về thủ tục lên tàu, điều hướng tàu và huấn luyện nhằm cải thiện sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng. Hoạt động diễn tập có sự tham gia của 3 tàu từ Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.

Mỹ - EU cho biết cuộc tập trận chung diễn ra trong khuôn khổ “tuần tra và thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. chưa có phát ngôn chính thức về cuộc tập trận chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm