Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ ghé cảng Hàn Quốc. Sự kiện diễn ra vào ngày 18-7, vài ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ra phía biển Nhật Bản, theo đài CNN.
“Một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã cập cảng Busan. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân Mỹ trong nhiều thập niên” - Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng - ông Kurt Campbell thông báokhi đang tham dự cuộc họp của Nhóm Tư vấn Hạt nhân (NCG) tại Seoul (Hàn Quốc).
Ông Campbell không nêu rõ tên của chiếc tàu ngầm, song cho biết chuyến thăm thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó xác nhận một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa của Mỹ đã cập cảng nước này. Bộ này cũng cho biết đó là tàu USS Kentucky thuộc lớp Ohio.
Tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky rời Alaska (Mỹ) vào năm 2017. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ |
Thông tin dự kiến về chuyến đi của tàu USS Kentucky đã được công bố trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4.
Theo hãng tin Reuters, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hiếm khi dừng lại công khai ở các cảng nước ngoài.
Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa này có khả năng bắn tới các mục tiêu cách xa 12.000 km.
Hôm 10-7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cảnh báo rằng việc Mỹ cho tàu ngầm hạt nhân cập cảng Hàn Quốc “là một tình huống rất nguy hiểm, vì nó sẽ đẩy căng thẳng quân sự khu vực trở nên nghiêm trọng hơn và có thể kích động một cuộc khủng hoảng xung đột hạt nhân tồi tệ nhất trên thực tế", theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên gọi kế hoạch này là "vụ tống tiền hạt nhân trắng trợn nhất" đối với Triều Tiên.