NASA dự kiến cho tàu vũ trụ Cassini đâm vào sao Thổ vào tháng 9 năm nay và đốt cháy nó để đảm bảo tàu vũ trụ này không vô tình rơi vào một trong số những mặt trăng của sao Thổ, làm lây nhiễm sự sống với vi sinh vật mang từ Trái đất.
Tàu vũ trụ Cassini đến sao Thổ vào tháng 7-2014. Kể từ đó nó thực hiện hành trình khám phá sao Thổ và 62 mặt trăng bay xung quanh. Nổi tiếng nhất trong số đó là mặt trăng Titan giống với Trái đất thuở sơ khai và mặt trăng Enceladus có đại dương khổng lồ bên dưới bề mặt, một ứng cử viên tiềm năng chứa sự sống.
Nhưng trước khi bị phá hủy, tàu vũ trụ Cassini sẽ thực hiện nhiệm vụ cuối cùng. Ngày 22-4, Cassini đi qua mặt trăng Titan và sử dụng lực hấp dẫn của mặt trăng này để tự đưa mình vào quỹ đạo mới nằm giữa bầu khí quyển của sao Thổ và vành đai trong cùng, rộng khoảng 2.000 km.
NASA hy vọng tàu vũ trụ Cassini tồn tại đủ lâu để bay vào các vành đai sao Thổ 22 lần nhằm nghiên cứu độ tuổi và thành phần của chúng. Nhưng chỉ cần một vật thể nhỏ trong vành đai va chạm với Cassini, sứ mệnh sẽ sớm chấm dứt do tàu vũ trụ đang di chuyển với vận tốc cực cao, khoảng 112.600 km/giờ.
“Ở tốc độ đó, ngay cả một hạt bụi nhỏ cũng có thể làm hỏng tàu vũ trụ” - Joan Stupik, chuyên gia tại Phòng Thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA, cho biết.
Dựa vào dữ liệu thu được, NASA muốn xem xét các vành đai có độ tuổi bằng với sao Thổ không (khoảng 4,6 tỉ năm) hay chúng hình thành sau khi sao chổi hoặc mặt trăng bay qua bị phá hủy bởi trọng lực to lớn của hành tinh này.
Tàu vũ trụ Cassini cũng sẽ nghiên cứu bầu khí quyển của sao Thổ và thực hiện các phép đo để xác định kích thước lõi đá được cho là tồn tại ở trung tâm hành tinh khí khổng lồ, chiếm hầu hết kích thước của nó.