Sáng 18-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chủ trì hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phân tán theo lợi ích từng địa phương
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của vùng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói: “Chúng ta cứ nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành, giải pháp cũng chưa phù hợp dẫn đến phân tán theo lợi ích của từng địa phương. Chúng ta cứ bắt tay nhau thế thôi chứ thực tế địa phương nào thì nghĩ cho lợi ích địa phương đó” - ông Thăng nói và đề nghị cần phải xác định lợi ích liên kết giao thông là giữa các vùng chứ không phải giữa hai tỉnh địa phương gần nhau. Làm sao để sau cuộc họp này có được những dự án triển khai như TP.HCM sẽ triển khai ngay cao tốc Mộc Bài - Tây Ninh, hoặc nối với Bình Dương mở rộng quốc lộ 13, nối với Tiền Giang mở rộng quốc lộ 50.
Lấy dẫn chứng từ một vụ việc cụ thể, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết ông đi từ Tây Ninh xuống trung tâm TP.HCM để họp hết 3,5 giờ dù quãng đường chỉ hơn 100 km. “Tôi xin nói thật như thế để thấy hai địa phương cạnh nhau nhưng kết nối giao thông vẫn còn rất xa” - ông Quang nói.
“Từ Tây Ninh đi TP.HCM có hơn 100 km mà đi hết 3,5 giờ thì Tây Ninh không thể nào phát triển được” - ông Thăng nhìn nhận.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Phải có người đủ uy thế làm “nhạc trưởng”
Nêu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết nối hạ tầng giao thông còn yếu là vì chưa có sự phân công để xác định rõ vai trò trách nhiệm của từng địa phương trong việc kết nối hạ tầng giao thông. Cùng đó là chưa có cơ chế chính sách cụ thể mang tính đặc thù, đột phá trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề xuất phải có một người có uy thế đóng vai trò “nhạc trưởng” để điều hành xuyên suốt chứ không luân phiên năm này tỉnh này, năm kia lại tỉnh nọ giữ vai trò điều hành như hiện nay.
Để có nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị các tỉnh rà soát các dự án giao thông trên địa bàn và xây dựng nhiều cơ chế để thu hút vốn đầu tư. “Chờ vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA thì rất mất thời gian. Nếu không tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, vốn xã hội thì rất khó phát triển hạ tầng giao thông cho vùng” - ông Thăng nói.
Về cơ chế, ông Thăng cho rằng cơ chế các tỉnh làm chủ tịch luân phiên hiện nay không hiệu quả. TP.HCM không thể điều phối Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Vì vậy, với vai trò quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh trong vùng cần kiến nghị trung ương để thủ tướng hoặc một phó thủ tướng phụ trách nắm quyền điều phối cả vùng.
Các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá khách quan mà nói thì các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với quy hoạch. “Tiêu biểu như đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực TP.HCM. Điều này gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa của các tỉnh ra khu vực cảng, đẩy chi phí vận tải lên cao. Hay như đầu tư cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhưng giao thông kết nối cảng còn nhiều hạn chế nên không thể khai thác hiệu quả cụm cảng này” - ông Đông chỉ rõ và cho rằng điểm mấu chốt là phải tìm ra điểm nghẽn của kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực. Như việc nâng cao tĩnh không các cầu để khai thác giao thông thủy, hỗ trợ cho giao thông đường bộ là hết sức quan trọng. Đa dạng hóa phương thức vận chuyển, phát triển tốt logistic. |