Đem tiền tỷ gửi vợ chồng bán vé sốTrong những ngày qua, nhiều người tham gia các dây hụi do bà Lương Thị Kim Lan (52 tuổi, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu) ăn chực, nằm chờ trước cổng nhà bà Lan để chờ bà về đòi nợ. Thậm chí, những người này còn kéo lên các cơ quan công quyền của địa phương yêu cầu điều tra, khởi tố hình sự đối với bà Lan với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nguồn tin từ Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, công an đã triệu tập bà Lan để điều tra, tìm hiểu. Theo khai nhận của bà Lan tại cơ quan điều tra, trước đây khoảng 10 năm, vợ chồng bà đi bán vé số kiếm sống. Đến năm 2004, bà gả con gái sang nước ngoài, hai năm sau con bà gửi tiền về cho bà xây dựng nhà, cửa nên có được cơ ngơi ổn định. Năm 2008, bà lợi dụng mối quan hệ quen biết với một số người dân trên địa bàn thị trấn Tân Châu, Thạnh Đông để rủ nhau chơi hụi do bà làm chủ. Lúc đầu, người tham gia hốt hụi đều được bà Lan trả tiền đầy đủ, đúng hẹn nên nhiều người đã tin tưởng tham gia. Ban đầu, đường dây hụi do bà Lan tổ chức nửa tháng và một tháng đóng một lần, về sau mở thêm hụi ngày. Các dây hụi của bà Lan có giá từ 3 đến 20 triệu đồng đối với hụi nửa tháng và một tháng đóng một lần. Theo lời bà Lan thì khi đường dây còn hoạt động, bà đến từng nhà hụi viên để thu tiền và ghi vào sổ tay của từng hụi viên số tiền đã đóng. Theo thỏa thuận, khi đến kỳ khui hụi thì các hụi viên tập hợp lại để bỏ thăm xem người nào có số tiền cao thì sẽ được hốt kỳ đó, nhưng bà Lan không cung cấp danh sách các hụi viên cũng như không thông báo hết cho hụi viên như thỏa thuận. Khi hụi viên có nhu cầu cần hốt hụi đến nhà bà Lan bỏ thăm chỉ thấy bà cùng với người nhà mà không thấy hụi viên khác. Đến kỳ đóng hụi bà cũng không nói rõ là ai bỏ thăm cao hốt mà chỉ nói số tiền phải đóng là bao nhiêu thì hụi viên đóng bấy nhiêu. Đa phần những người tham gia chơi hụi thường “nuôi” giành hốt chót để kiếm lời nên số tiền đóng cho bà Lan lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng đến cuối tháng 6 thì mọi người “tá hỏa” lên vì không tìm thấy bà Lan đâu để lấy tiền hụi. Rủi ro cao vẫn lao vàoTheo lời khai của bà Lan thì sau một thời gian mượn đầu này trả đầu kia, vài tháng trở lại đây bà không còn khả năng chi trả tiền cho hụi viên. Bà cũng đã đi vay mượn mọi nơi, thế chấp tài sản để có tiền chi trả cho các đường dây hụi, tránh việc “bể hụi” nhưng “lực bất lòng tâm” nên bà phải tránh mặt. Tính đến thời gian “bể hụi”, hiện còn 62 người tham gia các đường dây hụi của bà Lan với số tiền hơn 14 tỷ đồng mà bà Lan không có khả năng chi trả. Trong số đó có người bị nợ hơn 1,1 tỷ đồng, người ít nhất cũng bị nợ tiền hụi 19 triệu đồng. Ngoài ra, bà Lan còn đang vay mượn các hụi viên khác với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Theo một cán bộ Công an tỉnh Tây Ninh, hiện tượng “bể hụi”, “giật hụi” không phải là hiếm lạ vì hình thức tín dụng này mang rủi ro rất cao. Có nhiều vụ “giật hụi” với số tiền lên đến vài chục tỷ đồng, phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh nhiều nhưng một số người dân vẫn hám lợi mà tham gia, để rồi rơi vào cảnh tan nhà, nát cửa vì bị “giật hụi” hay “bể hụi”. Cũng mới đây, vào đầu tháng 6/2013 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra vụ “bể hụi” tại xã Tân Hà (huyện Tân Châu) với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Chủ hụi Huỳnh Thị Thanh đột nhiên vắng mặt khỏi địa phương khiến các con hụi không biết tìm ai để đòi lại tiền mình đã đóng. Cuối năm 2012 cũng đã xảy ra vụ “bể hụi” trị giá hơn 2 tỷ đồng tại huyện Hòa Thành, nhiều người dân khiếu kiện đến nay vẫn chưa xử xong. Trước đó vài tháng, tại huyện Bến Cầu cũng xảy ra vụ “bể hụi” trị giá khoảng 6 tỷ đồng, chủ đường dây cũng bị điều tra về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”…
Theo Tuyết Nhung – Tùng Nguyên (DT)