Nông dân tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đang bước vào mùa thu hoạch dưa hấu. Thương lái đến tận nơi để thu mua sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, dưa xuất bán phải dán tem có chữ Trung Quốc.
Dán tem truy xuất nguồn gốc từ ruộng
PV Pháp Luật TP.HCM đã thực hiện truy xuất theo mã QR trên các tem nhãn được dán trên sản phẩm dưa hấu ở Phú Ninh, Quảng Nam thì cho thông tin cụ thể như sau:
Tên sản phẩm: Dưa hấu - VN – LAOR - 0105; Nước xuất xứ: Việt Nam; tên Nhà nhập khẩu: Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Tây Huiming; doanh nghiệp sản xuất: VN-LAOR-0105, đơn vị thực hiện đăng ký: Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Traceability CCIC.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, các vùng trồng dưa hấu đều phải đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng đóng gói. Theo danh sách các cơ sở đóng gói và mã số vườn trồng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì tại huyện Phú Ninh - Quảng Nam đã được cấp mã số vùng trồng dưa hấu tại các xã Tam Thành, Tam Lộc, Tam Vinh, Tam Dân, Tam An.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho biết: Từ 1-4-2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin bao gồm tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu của Trung Quốc.
“Việc thương lái thu mua dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc đưa những cuộn tem truy xuất nguồn gốc để nông dân dán vào rồi mới chất lên xe tải tại Quảng Nam là bình thường. Đây là loại tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã vạch hay mã QR do doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu tự đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp mã, tự in, tự dán. Mục đích để doanh nghiệp tự quản lý hàng hóa, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, giúp người tiêu dùng nắm thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, trong trường hợp này, phía doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc họ muốn dán tem truy xuất nguồn gốc dưa hấu tại Việt Nam là thực hiện đúng quy định mà nước này. Họ để chữ Trung Quốc để người tiêu dùng nước này đọc được thông tin biết dưa hấu họ mua nhập từ Việt Nam.
Phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn bán dưa hấu hay nông sản nào sang Trung Quốc cũng vậy phải thực hiện đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cụ thể sang nước này phải có tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để phía Trung Quốc kiểm tra.
“Thay vì nhập kho rồi dán tem truy xuất nguồn gốc thì các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc muốn thương lái đem dán ngay tại ruộng chỉ là một hoạt động bình thường. Có thể họ muốn giảm bớt công đoạn bốc lên bốc xuống dán nhãn, giảm chi phí. Hoặc mùa này, người tiêu dùng muốn ăn dưa hấu từ Việt Nam nên nhà nhập khẩu nước này phải dán tem truy xuất nguồn gốc từ ruộng”, ông Tùng giải thích.
Thông tin về truy xuất nguồn gốc trên con tem dán trên dưa hấu Phú Ninh (Quảng Nam).
Thông lệ quốc tế
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, theo thông lệ quốc tế và tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng, trong đó có dưa hấu.
Các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Ngoài ra, theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây gần đây đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu (Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng rơm) trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5-2019.
Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở thông báo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải “Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây” (chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối và dứa) và “Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam” được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này. Các danh sách này cũng được đăng tải tại website của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ NN&PTNT để được hướng dẫn cụ thể.
Từ tháng 5-2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng.