KCNA cho biết tên lửa này đã bay được 787 km và đạt được độ cao 2.111 km. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cùng ngày cũng công bố nhiều hình ảnh về một vụ thử tên lửa cho thấy một tên lửa có màu đen và vàng tương tự loại tên lửa Hwasong-10 màu trắng, đen được trình diễn trong cuộc diễu binh hôm 15-4. Chóp hình nón của tên lửa này giống với chóp hình nón của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) KN-08 mà Triều Tiên được cho là đang phát triển, theo Reuters.
Giới chuyên gia cho rằng tên lửa được Triều Tiên phóng hôm 14-5 có tầm bắn ít nhất 4.000 km nếu được phóng theo góc chuẩn. KCNA lúc đầu nói rằng tên lửa Hwasong-12 “được phóng ở góc cao nhất” để không ảnh hưởng tới an ninh của các nước láng giềng.
Vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên ngày 14-5. Ảnh: KCNA
Trong bài phân tích đăng trên trang 38 North của Viện Mỹ-Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins, John Schilling, kỹ sư người Mỹ chuyên về tên lửa, nhận định vụ phóng mới nhất cho thấy “khả năng chưa bao giờ có trước đây của tên lửa Triều Tiên”. “Vụ phóng không chỉ cho thấy một loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng tấn công căn cứ Mỹ ở Guam mà còn cho thấy sự tiến bộ đáng kể của Triều Tiên trong quá trình phát triển ICBM” - ông Schilling bình luận.
Kim Dong-yub, GS tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), cho rằng nếu thật sự đúng thì vụ phóng trên đã đánh dấu một bước tiến triển nhanh hơn dự đoán trong chương trình ICBM của Triều Tiên. Ông cho rằng góc phóng của tên lửa này cho thấy Triều Tiên đang thử công nghệ “tái xâm nhập” để sản xuất ICBM. Công nghệ này cho phép Bình Nhưỡng không chỉ phóng được tên lửa tầm xa mà còn có thể dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu một khi chúng “tái xâm nhập” vào tầng khí quyển Trái đất, hãng tin NBC News cho biết.