“Cái Tết đầu của mình trên đỉnh Sơn Trà là vào năm 1994. Hồi đó mình mới là chiến sĩ 19, 20 tuổi trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Lần đầu đón Tết xa nhà nhiều bỡ ngỡ, thêm nỗi nhớ gia đình cồn cào cùng với lời chúc Tết tình cảm của thủ trưởng khiến những người lính trẻ bật khóc ngon lành đúng khoảnh khắc giao thừa. Đó có lẽ là kỷ niệm mà mình không thể quên“- Đại úy Nguyễn Chí Công (Trưởng ngành Radar Trạm radar 545, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) tâm sự.
"Mắt thần" giữ biển trên đỉnh Sơn Trà
12 giờ trưa, nắng cuối đông rải đều khắp các con phố, ngõ hẻm của thành phố biển Đà Nẵng. Cùng thời điểm ấy trời chuyển lạnh, sương mù bắt đầu bao phủ dày đặc Trạm radar 545. “Hên là nay trời hửng nắng đó, chứ mấy hôm mưa rét, sương mù cứ gọi là đặc quánh, người đứng cách 2-3m còn không rõ mặt nhau đấy”- Đại úy Công cười xòa, và vội bát cơm rồi nhanh chóng trở lại ca trực của mình.
Anh quê ở Nghệ An, đến nay đã gắn bó với màu áo lính radar 28 năm, trong đó có 11 năm trời làm bạn với mây, gió trên đỉnh Sơn Trà. Mỗi ca trực của các anh gồm 6 người, thứ 6 hàng tuần có mặt nhận nhiệm vụ thì thứ 6 tuần sau nhóm khác lên thay. Nhiệm vụ chính của anh Công là tổ chức quan sát, quản lý vùng mặt biển và không phận thấp trên không trong phạm vi của trạm.
Đại úy Nguyễn Chí Công và đồng đội làm nhiệm vụ trong ca trực. Ảnh: T.AN
Có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, trong những năm qua, Trạm radar 545 đã phối hợp với các đơn vị liên quan ứng cứu kịp thời các tàu cá gặp nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân rong thuyền ra khơi. Đặc biệt là kịp thời phát hiện được các tàu nước ngoài “đi lạc” vào vùng biển nước ta để báo cáo, có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc lãnh thổ Tổ quốc.
“Nhìn bên ngoài thì cuộc sống của lính radar có phần đơn điệu vì chỉ ngồi theo dõi tàu bè thuyền di chuyển trên màn hình. Tuy nhiên, có trực tiếp làm nhiệm vụ mới hiểu hết sự căng thẳng vì chỉ một phút lơ là, một sai lầm nhỏ cũng sẽ phải trả giá đắt. Càng rơi vào dịp lễ, Tết thì anh em càng phải tập trung tối đa cho nhiệm vụ, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống”- anh cho hay.
Thượng úy Hồ Ngọc Bình, Trạm phó Trạm radar 545, cho biết lính radar thường ở những nơi cao nhất, cách xa khu dân cư, ít người lui tới nhất nên công việc rất thầm lặng. Điều kiện cuộc sống vì thế mà còn nhiều khó khăn, nhất là tại các trạm ngoài đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ.
Nói đâu xa, ngay giữa TP Đà Nẵng nhộn nhịp, sôi động chẳng ai có thể ngờ lại có một nơi mà nước sạch và rau xanh vẫn được xem là hàng hiếm. Anh Bình kể hồi xưa, phương tiện đi lại còn chưa có, mỗi lần lên trực, bộ đội phải leo núi nhiều giờ đồng hồ mới lên đến trạm. Ngoài quần áo, trong balo của các anh khi đó còn có lương thực, thực phẩm để tích trữ ăn dần, riêng rau xanh chỉ để được mấy hôm là hư hết.
“Anh em cũng tận dụng đất để trồng rau, nuôi gà nhưng thời tiết trên này khắc nghiệt quá, mùa hè thì nắng nóng, mùa mưa thì lạnh, sương mù dày đặc nên mấy luống rau héo queo, không sống nổi. Hiện nước sử dụng là nước mưa, phải dùng thật tiết kiệm, nhất là vào mùa khô. Nhiều khi bí quá, anh em rủ nhau xuống suối tắm chứ không có nước. Khó khăn nhưng anh em luôn động viên nhau cố gắng, khắc phục vì hiểu rằng nhiều đồng đội đóng quân ngoài đảo xa còn cực hơn mình rất nhiều”- anh Bình tâm sự.
Những người lính radar tập trung cao độ trong khi làm nhiệm vụ, không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Ảnh: T.AN
Anh Bình từng công tác tại đảo Cồn Cỏ trước khi chuyển về Sơn Trà năm 2019. Chàng trai Nghệ An năm nay mới bước sang tuổi 29 nhưng mang phong thái chững chạc, điềm tĩnh của người lính hải quân. Sau nhiều năm yêu xa với bao thương nhớ, chàng thượng úy trẻ nay đã kết hôn với cô gái cùng quê và xây dựng cho mình một tổ ấm hạnh phúc.
Chia sẻ về ca trực đáng nhớ nhất, anh Bình bật cười bảo đó là vào một đêm giữa năm 2020, khi phải cấp tốc lên trạm để làm nhiệm vụ thay cho đồng đội bị đau ruột thừa.
“Bình thường mình hay để điện thoại ở chế độ im lặng khi ngủ, may mắn sao hôm đó lại để chuông. Khoảng 12 giờ đêm, mình nghe tin và nhanh chóng lên đường. Khu vực dưới chân núi thì trời quang, từ sườn núi trở lên thì sương mù dày đặc, lo cho đồng đội, ruột thì nóng mà chân không dám đạp ga vì thời tiết xấu quá. Lên đến nơi khoảng 1 giờ sáng, mình hỗ trợ anh em đưa đồng chí ấy lên xe để xuống cấp cứu rồi vào ngay ca trực, vừa trực mà vừa lo. Gần sáng, nghe tin ca mổ thành công thì anh em mới yên tâm phần nào”- anh nhớ lại.
“Hẹn ngày về, gia đình sẽ quây quần bên bữa cơm sum vầy”
Nằm trên đỉnh cao nhất của bán đảo Sơn Trà, Trạm radar 545 cách mực nước biển gần 700m. Vào những hôm trời quang, hửng nắng, từ đây có thể quan sát được sự tấp nập, nhộn nhịp của TP Đà Nẵng, nhất là trong những ngày giáp Tết.
Ngồi lặng nhìn từng lớp sương mù bao phủ lấy trạm, anh Công bảo năm nay là cái Tết thứ 15 anh xa nhà. Nhắc đến hai chữ gia đình, đôi mắt người lính ấy buồn man mác. Bởi lẽ ra giờ này anh đã có mặt ở quê để cùng vợ con dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng đón Tết. Thế nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho mọi thứ lỡ dở hết cả.
Thượng úy Hồ Ngọc Bình thực hiện nhiệm vụ quan sát mục tiêu trên biển. Ảnh: T.AN
Anh Công nói rằng mỗi khi Tết đến xuân về thì ai ai cũng mong muốn được quây quần, sum vầy bên gia đình, vợ con. Tuy nhiên, khi mang trên mình màu xanh áo lính thì mọi người đều xác định nhiệm vụ phải được đặt lên trên hết. Gác lại niềm vui riêng để sẵn sàng nhận lệnh, sẵn sàng chiến đấu, góp phần đảm bảo cho nhân dân đón một cái Tết an toàn, phấn khởi cũng chính là hạnh phúc của những người lính như các anh.
“Ở trạm thì mình là anh lớn nên tinh thần càng phải vững vàng để làm gương, động viên anh em trẻ an tâm ở lại làm nhiệm vụ. May mắn là giờ đã có điện thoại, mọi người có thể tranh thủ những lúc nghỉ ngơi để gọi video về cho gia đình, kéo gần khoảng cách với hậu phương”- anh bật cười.
Khi tôi hỏi anh có nhắn nhủ gì với vợ con ở quê hay không, anh Công ngại ngùng đáp: “Là vợ của người lính, phải chịu nhiều thiệt thòi, có khi vừa phải làm vợ vừa phải làm chồng nuôi dạy các con khôn lớn. Nhưng mình biết gia đình luôn tự hào vì có người chồng, người cha là anh lính Cụ Hồ. Cảm ơn vợ và các con, hậu phương của anh. Tết này anh hứa về nhưng kế hoạch dang dở, mong vợ và các con đừng buồn. Hẹn ngày về, gia đình mình sẽ quây quần bên bữa cơm sum vầy”.
Khác với anh Công, gia đình thượng úy Bình hiện sống ở nhà công vụ của đơn vị. Cách nhau không xa nhưng năm nay người vợ trẻ ấy không thể đón Tết cùng chồng, sẽ có chút buồn, chút tủi nhưng có lẽ chị hiểu, chấp nhận và dần coi điều đó là bình thường, bởi chồng chị là một người lính.
“Bé nhà mình ba tuổi rồi. Hồi con chào đời, mình công tác ngoài đảo, không về được, vợ mình khi đó khó sinh nên mình lo đến mất ăn mất ngủ. Nghe tin mẹ tròn con vuông thì mừng lắm. Yêu xa, cưới rồi vẫn xa nhau một thời gian nên giờ được đơn vị tạo điều kiện cho vợ chồng gần nhau thì rất phấn khởi. Tết này không về thì cũng hơi buồn một chút nhưng nhiệm vụ phải ưu tiên lên hàng đầu. Mình biết có hàng nghìn chiến sĩ biên phòng, y bác sĩ..., cũng đang "gác Tết" để chiến đấu với dịch bệnh. Mình rất cảm phục họ!”- anh tâm sự.
Vườn rau xanh của Trung đoàn 351. Ảnh: TĐ
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Đức Thuấn, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 351, cho biết đơn vị có nhiệm vụ quan sát vùng biển từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Trong đó, Trạm radar 545 án ngữ một vị trí rất đặc biệt trên biển Đông, mật độ lưu lượng tàu thuyền qua lại khu vực này rất nhiều, cường độ làm việc rất cao, nhất là vào thời điểm lễ, Tết. Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng anh em luôn nỗ lực, khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng theo Trung tá Thuấn, năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Trung đoàn sẽ quán triệt để mọi người ở lại ăn Tết, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong đơn vị.
"Nhìn chung anh em rất thoải mái, nếu có yêu cầu, nhiệm vụ phải ở lại để ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch thì anh em vẫn vui vẻ, không nghỉ Tết năm nay thì nghỉ Tết năm sau"- Trung tá Thuấn cho hay.