Thà đau một lần còn hơn cố níu kéo sự 'thoi thóp'

Loại bỏ những doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động không hiệu quả bằng cách bán hay cho phá sản, Nhà nước đã biết cách đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, chấp nhận chịu đau để môi trường kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn.

Dọn dẹp “nợ xấu”

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét việc cho phép Công ty TNHH Srisawad Corporation (Thái) mua lại Công ty Cho thuê tài chính I (ALCI).

Đây là công ty con do Agribank sở hữu 100%, nhưng quá trình hoạt động của ALCI đã gây nợ nần lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến Agribank. Cuối năm 2017, Agribank đã ra thông báo bán ALCI, và đã được Srisawad Corporation đeo đuổi thương vụ này.

Sự ráo riết của Agribank trong việc xúc tiến bán ALCI không quá khó hiểu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2017 của Agribank, ALCI lỗ lũy kế là 714 tỉ đồng, chưa kể, âm vốn chủ sở hữu 437 tỉ đồng, ngoài ra còn khoản nợ lãi quá hạn là 394 tỉ đồng.

Các khoản lỗ và nợ nần của ALCI đã góp phần làm suy giảm các chỉ số tài chính của Agribank. Và cũng không phải ngẫu nhiên ban lãnh đạo Agribank nói lên sự khó khăn rất vất vả đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Agribank buộc phải mạnh tay cho phá sản Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII), vì công ty con này của Agribank có khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 12 ngàn tỉ đồng, chưa kể nợ quá hạn các khoản tiền gởi của khách hàng và tổ chức tín dụng khác lên đến hơn 4.000 tỉ đồng.

Cuối năm 2018, Tòa án đã ra quyết định tuyên phá sản ALCII, và bước tiếp theo là thực hiện các thủ tục phá sản, đặc biệt xem xét là còn bao nhiêu tài sản để phân chia cho các chủ nợ.

Agribank rõ ràng thiệt hại nặng với ALCII nhưng đổi lại không còn phải gánh năng nợ quá lớn, làm ảnh hưởng đến kinh doanh, bản cân đối kế toán trở nên tốt hợn, đã giúp hỗ trợ cho mục tiêu lớn nhất trong năm 2020 là xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, dự kiến bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Cũng trong năm 2018, trong bản cáo bạch chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, Vinalines đã công bố phá sản 3 công ty con, gồm: Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin; Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Falcon; Công ty cổ phần TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cà Mau. Các doanh nghiệp này đã làm ăn mất vốn, gây ra những khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Bằng động thái này, Vinalines không còn phải gánh nợ thay, mà còn giúp tỉ số tài chính tốt hơn trước nhà đầu tư để bán được giá.

Vinafood 2, một công ty đã cổ phần hóa nhưng phần vốn nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối cũng gần đây cho phá sản một loạt các công ty con, như Công ty Lương thực Hậu Giang, Công ty TNHH Lương thực V.A.P đang thực hiện phá sản. Vinafood 2 cũng cho phá sản hoặc giải thể tùy theo tình hình đối với Công ty nông sản thực phẩm Cà Mau, Lương thực Quảng Ngãi, Tô Châu, Hoàn Mỹ, Vĩnh Long và Cambodia-Vietnam.

Nếu như phá sản hay bán công ty con là tiến trình đau đớn và phức tạp thì một câu chuyện khác xem ra nhẹ nhàng hơn, nhiều doanh nghiệp nhà nước chọn cách thoái vốn khỏi các công ty con hoạt động không hiệu quả. Một phương cách vừa bảo toàn vốn, không phải trích lập dự phòng rủi ro các khoản lỗ, vừa là cách buộc công ty con đó tự đứng bằng chân của mình, không dựa dẫm.

Chẳng hạn, Vinalines mới đầy đã thoái vốn khỏi Vitranschart từ 58% xuống còn 48,99% vốn điều lệ, có nghĩa vẫn là cổ đông lớn nhưng chỉ ở mức công ty liên kết. Như vậy Vinalines sẽ không còn ghi khoản lỗ lớn ngàn tỉ đồng trong năm 2018 của công ty này vào báo cáo tài chính.Việc không ghi khoản lỗ khiến báo cáo tài chính Vinalines tốt hơn và giá trị cổ phiếu của công ty sẽ được thị trường định giá tốt hơn.

Cuộc cải cách

ALCII là một doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ được cho phép phá sản. Trong một đánh giá trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhận định về thực trạng hoạt động của ALCII là mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi hoạt động lại bình thường nên yêu cầu phá sản theo quy định pháp luật.

Nghị quyết Quốc hội đã quy định không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các khoản nợ của doanh nghiệp. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

Theo các chuyên gia đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy quyết tâm của Nhà nước không dùng ngân sách để bù lỗ hay cứu mà sẵn sàng cho doanh nghiệp phá sản nếu làm ăn không hiệu quả, không thể trở lại hoạt động bình thường. Chưa kể phát ra tín hiệu cho các nhà đầu tư nhà nước đã mở ra môi trường kinh doanh minh bạch.

Trong năm 2018, trong bản cáo bạch chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, Vinalines đã công bố phá sản 3 công ty con, gồm: Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin; Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Falcon; Công ty cổ phần TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cà Mau. Các doanh nghiệp này đã làm ăn mất vốn, gây ra những khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Khoảng trống

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn 2011 – 2015, cả nước chỉ phá sản được 8 doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Từ năm 2016 đến nay chỉ phá sản được 1 doanh nghiệp. Số lượng này quá ít so với toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, cần phải phá sản.

Con số này nói lên rất nhiều điều. Vì chính cảnh đèo bòng các công ty con, nhiều tập đoàn nhà nước lâm vào cảnh thua lỗ lớn. Trong một con số thông kê mà kiểm toán nhà nước gửi tại quốc hội tại một kỳ họp trong năm 2018, dù số liệu dẫn từ năm 2016, nhưng hé lộ cho thấy các khoản lỗ khổng lồ.

Tính đến hết năm 2016, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỉ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế 4.595 tỉ đồng. Như Vinalines lỗ lũy kế 5.040 tỉ đồng, Gtel lỗ 3.905 tỉ đồng, Vinachem (1.348 tỉ đồng), Vinafood 2 lỗ lũy kế 976 tỉ đồng,… Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các công ty con, công ty liên kết có vốn góp của công ty mẹ không có lãi.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc cho phá sản các công ty nhà nước vẫn còn thấp vì sợ gây thất nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn lao động, sợ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quản quản lý nhà nước, sợ phơi bày các yếu kém do hoạt động không hiệu quả mang lại.

Trong khi đó, nếu cho những doanh nghiệp nhà nước phá sản thì không những ngưng được việc cung cấp tài chính một cách vô ích mà còn giúp tái cơ cấu doanh nghiệp một cách triệt để mạnh mẽ hơn, đặt ra nền tảng giám sát một cách minh bạch.

Chưa kể không níu kéo nhau cùng rơi vào biển lỗ như tình cảnh Vinalines và Petro Việt Nam vì cứu Vinashin trước đây mà kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, việc cổ phần hóa odanh nghiệp nhà nước là cách để tạo những doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, vì đa sở hữu thì buộc doanh nghiệp đó phải hoạt động thực thi theo nguyên tắc thị trường, biết cạnh tranh gia tăng tính hiệu quả.

“Tài sản mà doanh nghiệp nhà nước nắm rất lớn, nếu giải phóng được chúng thì sức đẩy cho tăng trưởng sẽ cao hơn nhiều”, ông Thiên nói.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra vẫn còn chậm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, có 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm