Thả rồi chờ bồ câu... quay về !

Dân trong giới thường gọi các chú bồ câu này bằng cái tên đầy kiêu hãnh: “chiến binh”, gọi nhà của những gia chủ chơi chim là “căn cứ”, gọi người đi thả chim là “nài”, còn các “chiến binh” thuộc sở hữu của cá nhân nào đó được gọi là “bổn chim”. Các “chiến binh” tham gia cuộc thi này có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc, Bỉ, Hà Lan… Các giống bồ câu trên có sức khỏe dẻo dai, tốc độ cao và đặc biệt là trí nhớ siêu việt để xác định phương hướng, tìm đường về “căn cứ”.

Thỏa niềm đam mê

Tận mắt chứng kiến việc tổ chức một hội thi mới thấy hết sự công phu của những người mê bồ câu đua. Đúng 15 giờ ngày 5-2, Hội Bồ câu đua quận 8 đã khẩn trương làm lễ bàn giao “chiến binh” cho “nài” mang ra Phú Yên để tranh giải bồ câu đua xuân Nhâm Thìn.

Hội thi đã thu hút 30 “căn cứ” với khoảng 60 “chiến binh” tham gia. Lộ trình bay từ Phú Yên đến TP.HCM. “Chiến binh” về “căn cứ” đầu tiên sẽ giật giải quán quân. Để đảm bảo sự khách quan cho giải đấu, trước khi được đưa đi thả, các “bổn chim” phải làm một số thủ tục cần thiết. Đó là: nhận dạng và đóng dấu giáp lai ở cánh “chiến binh” vào hồ sơ cá nhân của chúng; dán giấy ghi mã số vào chân chim, miếng giấy còn lại lưu vào hồ sơ để sau này đối chiếu với số ở chân “chiến binh” khi về “căn cứ”... Thời gian các “chiến binh” bay từ Phú Yên về “căn cứ” mất khoảng 7-8 giờ đồng hồ. Những “chiến binh” dẻo dai, có sức khỏe tốt, tốc độ bay có thể đạt 80 km/giờ.

Anh Nguyễn Gia Hưng, thành viên ban tổ chức hội thi, bộc bạch: “Từ năm 1982-1983 đã có phong trào chơi bồ câu đua rồi. Tuy nhiên, lúc đó các “chiến binh” chỉ bay được chừng 10-20 km. Về sau, các “chiến binh” phải trải qua một thời gian tập dượt khá bài bản. Ban đầu, chúng phải vượt qua quãng đường khoảng 50 km, sau đó tăng lên 100 km rồi tăng dần lên vài trăm kilômét”.

Ban tổ chức đang dán số đã mã hóa vào chân chim. Ảnh: P.ĐIỀN

Anh Nguyễn Vĩnh Hà, một người dân TP.HCM khá am hiểu về bồ câu đua trên thế giới, cho hay hiện rất khó định giá một “chiến binh” vì giá của chúng còn tùy thuộc vào việc “chiến binh” đó đã qua cuộc tỉ thí nào chưa, tốc độ ra sao... Vì vậy mà cách nay chưa lâu, ngay sau cuộc đua, một “chiến binh” thuộc sở hữu của Tý “sầu riêng” (quận 6, TP.HCM) đoạt giải quán quân đã được lễ - một tay chơi bồ câu đua có hạng ở quận 8, TP.HCM - mua lại với giá gần 31 triệu đồng. Tương tự, một “chiến binh” khác do anh Đặng Quốc Bình (quận 8, TP.HCM) sở hữu đoạt giải quán quân hồi tháng 4-2011 cũng được lễ đặt giá 20 triệu đồng. Với thâm niên hơn 10 năm chơi bồ câu đua, anh Bình kể rằng vừa qua một “chiến binh” anh từng cho người bạn ở Bình Dương từ hơn năm năm trước đã quay về “căn cứ” chú ta ra đời (nhà anh Bình) trong một lần bạn anh sơ sẩy.

Về trị giá một “chiến binh”, anh Hà cho biết trên thế giới, “chiến binh” có giá dao động từ vài trăm USD đến 100.000 USD. Đặc biệt, tại một phiên đấu giá tại Bỉ, một “căn cứ” phối giống ở Trung Quốc đã mua về một “chiến binh” với mức giá kỷ lục: 180.000 USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá một “chiến binh” dao động từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng.

Hồi hộp chờ... “chiến binh” về “căn cứ”

“Ban đầu các “chiến binh” cũng xuất phát như nhau nhưng sau đó từng con tự tách tốp và bứt phá. Những “chiến binh” có kinh nghiệm và lão luyện sẽ biết cách tự tìm lối đi riêng để giành giải quán quân” - anh Hưng cho hay.

Anh Hưng thổ lộ tiếp: “Giây phút hồi hộp nhất là chờ “chiến binh” trở về “căn cứ”. Có khi đúng giờ chỉ thấy xuất hiện trên bầu trời một chấm nhỏ rồi to dần cho tới khi “chiến binh” lượn vài vòng để xác định chắc chắn 100% đó là “căn cứ” thì lúc đó niềm sung sướng khó tả bằng lời”. Anh Bình hào hứng: “Nhìn “chiến binh” thở dốc vì phải sải cánh tăng tốc suốt quãng đường dài, mình vừa thương, vừa cảm thấy hãnh diện. Giây phút đó làm mình quên đi những ngày tháng cực nhọc chăm chút chúng”.

Nài Ty, với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, tỉ tê: “Em mê nghề này từ nhỏ nên mới gắn bó lâu đến vậy, chứ không thì khó lang thang theo chúng khắp các nẻo đường dài mãi được”. Theo Ty, khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là thời điểm tung các “chiến binh” lên bầu trời rồi lặng nhìn chim sải cánh tìm về “căn cứ”.

Có khi nào “chiến binh” lạc lối về? Anh Hưng chia sẻ: “Có chứ, nhiều khi trên đường thi do cố sức sải cánh, các “chiến binh” quá mệt mỏi sà xuống uống nước thì bị rình rập săn bắn hoặc bị các loài chim ác ăn thịt. Cũng có khi “chiến binh” xác định sai mục tiêu nên lưu lạc vài ba tháng mới về được “căn cứ”. Mỗi lần như thế tôi vui đến tột cùng, như đứa con ruột của mình bị thất lạc chợt xuất hiện ngay trước mặt”.

Anh Bình kể: “Trong một lần thi thố, một “chiến binh” bị lạc lối đúng ba tháng 20 ngày mới về “căn cứ”. Lúc đó tôi mừng đến rơi nước mắt” - anh Bình bộc bạch. Một “chiến binh” kỳ cựu khác cũng đã trở về sau chín tháng lưu lạc...

Hằng năm Chi hội Bồ câu đua quận 8, TP.HCM thường tổ chức hội bồ câu đua vào các ngày lễ lớn. Trong năm 2012, ngày 30-4: lộ trình các “chiến binh” thi đấu là Côn Đảo - TP.HCM; ngày 2-9: lộ trình Nha Trang - TP.HCM; ngày 22-12: dự kiến có thêm một cuộc đua nữa nhưng các thành viên đang lựa chọn địa điểm. Kế hoạch chinh phục dài hơi mà chi hội này đang phấn đấu là lộ trình quảng trường Ba Đình (Hà Nội) - chợ Bến Thành (TP.HCM).

Nghề chơi cũng lắm công phu

Quá trình này bắt đầu từ khi “chiến binh” còn trong trứng. Bình quân một bữa ăn của “chiến binh” khá thịnh soạn, từ 10 món trở lên trộn đều gồm: thóc, bắp, gạo đỏ, lúa mạch, đậu xanh, hạt hướng dương, mè đen, hạt kê, đậu nành... Tùy theo từng thời kỳ chim thay lông, thời tiết thay đổi… mà người chơi linh hoạt thay đổi khẩu vị, bồi bổ cho “chiến binh”.

Sau khi đẻ trứng, chim bố mẹ thay nhau ấp trứng trong vòng từ 16 đến 18 ngày để trứng nở thành con. Điều cảm động nhất là ngày đầu tiên chim non chưa mở mắt, chim trống mái thay nhau tiết một dòng sữa từ miệng để mớm cho chim con từ một đến năm ngày liên tiếp. Đây là điều khó lý giải vì chỉ có động vật có vú mới tiết sữa cho con bú.

Từ một tháng rưỡi trở đi có thể tập dượt cho bay theo đàn. Tuổi thọ cao nhất của bồ câu đua lên tới 20 năm. “Mỗi “căn cứ” có một bí quyết riêng để… đào tạo “chiến binh” chờ ngày thi thố” - anh Bình cho hay.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới