“Thạc sĩ voọc” Ái Tâm hơn 16 năm gắn bó với rừng

(PLO)-  “Thạc sĩ voọc” đã góp phần bảo tồn thành công, tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng loài voọc chà vá chân xám, linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành sinh - môi trường Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chàng sinh viên Nguyễn Ái Tâm (sinh năm 1982, ngụ TP Đà Nẵng) ấp ủ mộng mơ đi làm “ông giáo” trẻ.

Thế nhưng sau một thời gian trải nghiệm, nhận thấy “tình yêu đầu” không hợp, anh chia tay bục giảng, đi làm điều phối viên Hội Động vật học Frankfurt của Đức tại Việt Nam. Anh chuyên “cắm mặt nhìn đất, ngửa cổ nhìn trời” nghiên cứu về các loài linh trưởng. Đến nay, anh đã có hơn 16 năm gắn bó với rừng và các loài linh trưởng quý ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Gia Lai).

Ở rừng nhiều hơn ở nhà

Ở vùng Kon Ka Kinh, anh Tâm được anh em gọi là “người rừng”, “thạc sĩ voọc” do thời gian ở rừng nhiều hơn ở nhà.

“Thạc sĩ voọc” tiết lộ đã phát hiện ra loài tê tê vàng quý hiếm thông qua đặt bẫy ảnh. Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam (ảnh nhỏ). Ảnh: LÊ KIẾN

“Thạc sĩ voọc” tiết lộ đã phát hiện ra loài tê tê vàng quý hiếm thông qua đặt bẫy ảnh. Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam (ảnh nhỏ). Ảnh: LÊ KIẾN

Anh xem Kon Ka Kinh như ngôi nhà thứ hai của mình, từ địa hình và phân bố của nhiều loài động thực vật đều được anh thuộc nằm lòng. Để hiểu tập tính, thói quen của loài voọc, anh phải mất hơn hai năm mò mẫm làm quen.

“Làm nghề này mà không có đam mê sẽ sớm bỏ cuộc bởi nó rất vất vả. Có khi để theo dõi tập tính và không để lạc mất dấu đàn voọc, mình phải đeo bám, nhịn đói, nhịn khát. Thậm chí có nhiều chuyến đi kéo dài cả tuần; ăn mì gói sống, uống nước rừng qua bữa. Nếu mình đốt lửa thì voọc phát hiện chạy mất, coi như phí công” - anh Tâm chia sẻ.

Để kiểm tra tổng đàn voọc chà vá chân xám nơi đây, anh không nhớ đã đi ngang dọc vườn bao nhiều lần. Anh sử dụng phương pháp tuyến dựa trên tập tính phân bố (mỗi đàn sinh hoạt trong phạm vi 4 km) và đã xây dựng được có 24 tuyến, tính được tổng đàn với khoảng 1.500 cá thể voọc.

Anh Nguyễn Ái Tâm (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm thực tập sinh tại rừng Kon Ka Kinh. Ảnh: LÊ KIẾN

Anh Nguyễn Ái Tâm (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm thực tập sinh tại rừng Kon Ka Kinh.
Ảnh: LÊ KIẾN

Anh Tâm tiết lộ bình thường mỗi đàn voọc chỉ tụ tập khoảng 10-15 con. Có khi chúng tụ tập đàn rất đông, lên đến 50 con. Thức ăn chính của chúng là lá và trái cây còn sống.

Anh Tâm trải lòng: “Làm nghề này cũng đánh đổi nhiều lắm, phải xa vợ xa con liên tục. Bình thường mình ở rừng nhiều hơn ở nhà, mỗi tháng có đến 20 ngày trong rừng. May mắn là vợ con hiểu và thông cảm”.

“Nhìn động vật dính bẫy chết, lòng đau xót”

Để hỗ trợ vườn tốt hơn trong công tác tuần tra rừng, Hội Động vật học Frankfurt đã tài trợ chương trình smartphone, máy tính cho chín trạm và một đội bảo vệ rừng nơi đây. Đồng thời cấp thêm kinh phí 3 triệu đồng/trạm/tháng.

Theo anh Tâm, “chương trình Smart này rất lợi hại, là tai mắt hỗ trợ đắc lực cho vườn trong việc tuần tra và quản lý cán bộ làm việc. Khi cài ứng dụng này, mọi hướng đi lại của nhân viên đều được đánh dấu trên bản đồ. Vì vậy, lãnh đạo vườn có thể quán xuyến được toàn bộ khu rừng và quản lý cả nhân viên. Nếu ai khai báo gian dối, chỉ cần nhìn vào định vị trên bản đồ là biết ngay”.

Cảm hóa thợ săn thành bảo vệ rừng

ThS Nguyễn Ái Tâm thường tập huấn cho nhân viên bảo vệ rừng, hỗ trợ máy móc, thiết bị và hướng dẫn phương pháp sử dụng công nghệ về tuần tra rừng.

Đồng thời, anh xây dựng nhiều bài giảng phối hợp với chính quyền địa phương có vùng đệm tiếp giáp với vườn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Đặc biệt, anh tham gia vào việc cảm hóa những thợ săn thành người bảo vệ rừng đắc lực như Bok Zương, Huyn…

Từ năm 2018 đến nay, thông qua việc hỗ trợ đặt bẫy ảnh (15 máy ảnh tự động ghi hình khi phát hiện chuyển động), anh Tâm giúp vườn ghi nhận được hơn 32 loài động vật hoang dã. Đặc biệt, bẫy ảnh đã ghi lại hình ảnh của loài tê tê vàng vô cùng quý hiếm, gần như tuyệt chủng ở Việt Nam.

“Phát hiện loài tê tê vàng rất có ý nghĩa về mặt khoa học, giá trị đa dạng sinh học. Do nạn săn bắt động vật hoang dã đã khiến loài này và một số loài khác rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Trong nhiều năm qua tôi đã tham gia gỡ bỏ hàng ngàn chiếc bẫy, giải cứu cho rất nhiều động vật. Nhìn động vật dính bẫy chết, lòng đau xót lắm. Tôi chỉ mong muốn nhận thức của người dân sẽ thay đổi, từ bỏ săn bắt” - anh Tâm trăn trở.

Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Anh Tâm bày tỏ: “Vấn đề mà tôi luôn đau đáu hiện nay là ảnh hưởng của cộng đồng địa phương đến quần thể voọc chà vá chân xám và môi trường tương quan. Đây là đề tài mà tôi dự định sẽ nghiên cứu làm dự án tiến sĩ trong thời gian tới. Hướng đến xây dựng những giải pháp giúp quần thể này phát triển, vừa giúp cộng đồng địa phương thấy được giá trị của việc bảo tồn loài đặc hữu này và có thêm sinh kế”.

Để xây dựng đội ngũ kế cận, hằng năm anh đều phụ trách hàng chục sinh viên từ Bắc đến Nam vào vườn học tập, trải nghiệm và nghiên cứu thực tế. Theo anh Tâm, công tác bảo tồn và nghiên cứu phải thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ.

Nhiều loài của Việt Nam được ghi trong Sách đỏ

Anh Nguyễn Ái Tâm là người rất tâm huyết với dự án bảo tồn voọc chà vá chân xám, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ rất nhiều cho vườn xây dựng chiến lược bảo tồn tốt hơn.

Đàn voọc quý hiếm ở Vườn Kon Ka Kinh. Ảnh: NVCC.

Đàn voọc quý hiếm ở Vườn Kon Ka Kinh. Ảnh: NVCC.

Trong các dự án hỗ trợ của Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam, anh cũng tích cực tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trong công tác bảo vệ rừng, tuần tra, giám sát.

Hiện vườn đã quản lý, bảo vệ hơn 41.000 ha rừng và đất rừng. Đến nay đã xác lập hơn 1.700 loài thực vật, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát, 58 loài ếch nhái và 321 loài côn trùng. Trong đó có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam được ghi trong Sách đỏ như voọc chà vá chân xám, vượn má hung Trung Bộ, khướu Kon Ka Kinh.

Ông NGÔ VĂN THẮNG, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm