Thách thức năng lực của chính quyền

Ở phường 5, quận 8 từ lâu hai đoạn đường Hoàng Minh Đạo dẫn vào chợ Nhị Thiên Đường đã biến thành chợ tự phát buôn bán tấp nập. Cách đó chỉ chừng 1 km, trên đường Bùi Minh Trực cũng có chợ tự phát hoạt động khá “xôm tụ” vào buổi sáng. Sự hiện hữu của hai chợ tự phát này đã làm nhiều quầy hàng trong chợ Nhị Thiên Đường thưa thớt, vắng hoe.

Cũng giống như những chợ tự phát ở các nơi khác, không chỉ “xâm chiếm” toàn bộ vỉa hè, người ta còn bày hàng xuống lòng đường để buôn bán rất mất trật tự. Do thường xuyên bị “xí mất chỗ” nên những người đi bộ phải đi xuống lòng đường mà diện tích đã bị thu hẹp đáng kể, “nín thở” chen chúc với dòng xe cộ đang lưu thông hay những chiếc xe hai bánh mà chủ nhân là những người mua hàng thản nhiên dựng giữa đường. Những tiếng còi xe xin đường bóp inh ỏi, những tiếng cự cãi, quát tháo, chửi rủa do bị cản lối hay do va quẹt… Cảnh tượng này xảy ra như cơm bữa!

Tại sao không tập trung các tiểu thương vào chợ Nhị Thiên Đường, đồng thời giải tỏa hai chợ tự phát để trả lại chức năng cần thiết cho hai con đường? Sự thật thì UBND quận 8 và UBND phường 5 đã thực hiện không biết bao nhiêu đợt cao điểm tém dẹp các chợ tự phát trên địa bàn quận, phường, trong đó có hai chợ nói trên. Nhiều công sức, tiền của đã đổ ra để “đường thông, hè thoáng” nhưng đáng tiếc là khi chiến dịch kết thúc thì mọi thứ lập tức trở lại như cũ, thậm chí còn bê bối hơn trước (!). Để rồi khi cảm thấy bất lực với việc giải tỏa, chính quyền chuyển sang “sống chung” bằng cách sắp xếp cho đỡ bát nháo.

Lấy chợ tự phát trên đường Hoàng Minh Đạo mà tôi vẫn qua lại hằng ngày làm dẫn chứng, vào đầu tháng 9-2011 (gần ba năm trước), không khí quang đãng hẳn khi phường thường xuyên cử lực lượng chốt giữ tại các khu vực quanh chợ. Theo đó, bà con chỉ được bày hàng ở lề đường, cụ thể là bên trong các vạch sơn đã được phường kẻ sẵn. Nếu họ cãi lệnh thì phường sẽ phạt tiền, tịch thu phương tiện, hàng hóa… Do lòng đường không bị chiếm dụng nên xe cộ dễ dàng lưu thông, cảnh mua bán lộn xộn giữa đường giảm đáng kể. Cũng tại thời điểm này, khi Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề “việc chấn chỉnh kéo dài trong bao lâu?”, một phó chủ tịch phường đã quả quyết “sẽ thực hiện thường xuyên”…

Nhưng rồi y như rằng, chỉ sau một thời gian ngắn là lực lượng chức năng gần như bỏ mặc người bán lẫn người mua “tự tung tự tác” như đã nêu ở trên. Nhiều hệ lụy phát sinh từ đây, mà lo ngại nhất là tâm lý lờn luật, thậm chí là sự thách thức chính quyền của những người muốn duy trì chợ tự phát vì lợi ích riêng của mình.

Một khi đã xác định mục tiêu của văn minh đô thị là phải xóa bỏ chợ tự phát vì lợi ích của cộng đồng, cớ sao người đứng đầu địa phương lại buông xuôi? Vì ngán ngẩm với những cuộc đẩy đuổi dễ dẫn đến phản ứng, khiếu nại của những người liên quan chăng? Vì ngại khó, sợ cực, hay thiếu kiên nhẫn và quyết tâm chăng?… Không thể cho rằng đây là các lý do khó khắc phục, bởi với xuất phát điểm như nhau thì nhiều nơi vẫn làm được (như phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), phường Tân Tạo (quận Bình Tân)… chẳng hạn.

Lần giở lại lịch sử nhiều nước mới thấy cuộc đấu tranh cho trật tự đô thị luôn là sự gay go nhưng rồi bộ máy công quyền của họ vẫn gặt hái được kết quả nhờ “tinh thần thép”, kèm theo đó là các hình thức chế tài rất nghiêm khắc. Bài học đắt giá cho những người có trách nhiệm quản lý đô thị chính là điều này vậy!

NGUYÊN THI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới