Ngày 4-1, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, THA hành chính năm 2024.
Số việc và tiền phải thi hành đứng đầu cả nước
Theo báo cáo kết quả công tác THADS, trong 12 tháng năm 2023, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan THADS TP.HCM tiếp tục đứng đầu cả nước với hơn 104.000 việc, tương ứng hơn 143.000 tỉ đồng phải được giải quyết.
Trong số có điều kiện THA, về việc, cơ quan THA đã tổ chức thi hành xong 55.403 việc, tăng 6,62% so với cùng kỳ năm 2022; về tiền, thi hành xong hơn 37.000 tỉ đồng, tăng 34,29% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt chỉ tiêu được giao năm 2023.
Riêng việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong hơn 17.700 tỉ/hơn 74.100 tỉ đồng phải thi hành.
Đáng chú ý, cục đã thi hành xong ba vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo gồm: Vụ VN Pharma, Vũ Huy Hoàng và Phan Văn Anh Vũ. Giao hai tài sản lớn tại 2-4-6 Hai Bà Trưng và 8-12 Lê Duẩn, thực hiện việc cấn trừ nghĩa vụ THA trong vụ Phạm Công Danh...
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng
Tại buổi lễ, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) và Phòng Tổ chức cán bộ (Cục THADS TP.HCM) đã có các quyết định khen thưởng đến các tập thể, cá nhân có đóng góp, thành tích xuất sắc trong công tác.
Trong đó, Chi cục THADS quận 7 nhận cờ thi đua ngành tư pháp về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua của ngành tư pháp năm 2023.
Ba tập thể và 24 cá nhân thuộc các cơ quan, ban ngành TP cũng được nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật THADS và công tác THADS giai đoạn 1993-2023.
Năm 2024 sẽ đầy thách thức
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long biểu dương những nỗ lực, kết quả công tác mà cơ quan THADS TP đã đạt được.
Tuy nhiên, công tác THADS trên địa bàn cũng cần lưu ý thêm khi lượng việc và lượng tiền chuyển kỳ sau tương đối lớn; kết quả giải quyết án tín dụng, ngân hàng còn thấp và số vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao tài sản còn cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều khó khăn, thách thức; tòa án tiếp tục xét xử một số đại án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo như Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh… Đây sẽ là thách thức rất lớn và các cơ quan THADS TP cần phải đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng yêu cầu Cục THADS TP quán triệt nghiêm túc Quy định 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử và THA. Cục phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy định 132 đến từng công chức, người lao động.
“Thận trọng trong việc xử lý từng vụ việc và cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, chuyên môn, đạo đức để thực hiện nghiêm các yêu cầu rất cao và khắt khe trong Quy định 132” - ông Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cục THADS TP cần phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan công an, VKS, tòa án trên địa bàn trong công tác THA, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa với vai trò người đứng đầu cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ và triển khai chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới để kết quả THA của TP đạt hiệu quả cao và hoàn thành các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao.•
Tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt
Trong năm 2024, Cục THADS TP cho biết sẽ tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Phối hợp thi hành hiệu quả các vụ việc THADS trọng điểm, các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Đảm bảo việc theo dõi đầy đủ, chính xác các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính được thi hành.
Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và sức mạnh tập thể, bảo đảm đoàn kết nội bộ.