Theo PGS Khánh Trang, đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là rối loạn chuyển hóa trong thời gian mang thai nên ăn uống và vận động hợp lý sẽ khống chế được.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của thai phụ là ăn như thế nào là đủ. Nếu nhịn ăn thì em bé sẽ bị còi, suy dinh dưỡng. Về chế độ ăn rất có nhiều vấn đề, nhưng căn bản thì nên hạn chế ăn tinh bột, thay vào đó ăn chủ yếu là đạm, lipid… tăng cường vận động thể lực, giữ cho không dư cân.
Ở người mẹ, ĐTĐ thai kỳ làm tăng tỉ lệ sinh mổ do con to, tăng tiền sản giật và sản giật, tăng băng huyết sau sinh do dinh khó vì con to là tai biến sản khoa gây tử vong mẹ. Đến tuổi trung niên, 50% người ĐTĐ thai kỳ bị ĐTĐ tuýp 2 không phụ thuộc Insulin nhưng phải uống thuốc liên tục.
Đối với con, ĐTĐ thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở thai nhi, tăng tỷ lệ sang chấn sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh do phổi thiếu surfactant, góp phần tang tỉ lệ tử vong trước và sau sinh. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị ĐTĐ về sau, cũng như tăng nguy cơ béo phì và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
“Đối với thai nhi, việc đường huyết của mẹ lên xuống làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là thay đổi đột ngột kiềm toan (độ acid trong máu) làm mất tim thai đột ngột. Tỉ lệ này chỉ dưới một phần ngàn, tuy nhiên thai phụ phải được khám, tư vấn tốt, nếu xảy ra chuyện gì họ cũng dễ thông cảm hơn!”, PGS Khánh Trang nói.
Theo PGS Khánh Trang, cách đây 20 năm chỉ có 2%-3% phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ; 10 năm sau con số này tăng lên 5%-6% và hiện nay tỉ lệ chung là trên 10%-15% (trong một triệu sản phụ mang thai sinh nở tại Việt Nam). Năm 2015, tại BV Hùng Vương có 137.000 trường hợp đến khám thai. Kết quả kiểm tra đường trên 20.000 thai phụ ở tuần 24-28, kết quả là gần 1.800 ca mắc ĐTĐ thai kỳ.