Ông nội của tôi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và có thời gian đóng liên tục năm năm.
Đầu năm 2023, ông tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và phải điều trị liên tục tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Trong khoảng thời gian trị bệnh, dù điều trị đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả thì gia đình còn phải trả tiền viện phí gần 50 triệu đồng. Do bệnh trở nặng nên ông tôi đã mất hồi cuối tháng 6-2023.
Cho tôi hỏi, người bệnh mất trong quá trình điều trị bệnh mà có chi phí điều trị cao thì thân nhân có được thanh toán lại số tiền cùng chi trả không?
Bạn đọc có địa chỉ mail thanhhang…@gmail.com
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời:
Số tiền cùng chi trả (hay còn gọi là đồng chi trả) là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỉ lệ phần trăm được hưởng của loại thẻ BHYT.
Để được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT năm năm liên tục, người bệnh cần đáp ứng ba điều kiện sau:
- Có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên.
- Số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở từ ngày 1-7 là 1,8 triệu đồng).
Nghĩa là những người có thẻ BHYT có mức hưởng 80%, 90%, 95% thì người bệnh phải cùng chi trả theo các mức tương ứng 20%, 10%, 5% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
- Người tham gia phải đi KCB đúng tuyến.
Trường hợp của ông bạn nếu đáp ứng ba điều kiện trên thì người thân của ông bạn chỉ cần mang những giấy tờ có liên quan như các hóa đơn thanh toán đối với số tiền cùng chi trả, thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân (có ảnh) đến nộp tại cơ quan BHXH gần nhất.
Sau khi tiếp nhận, cơ quan BHXH sẽ thanh toán phần chênh lệch số tiền cùng chi trả. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trường hợp của ông bạn nếu như người đi làm thủ tục là vợ chồng thì phải cung cấp thêm giấy kết hôn; là con thì phải có giấy khai sinh.