Sáng ngày 12-1-2015 vừa qua, Reuters đưa tin, đội tìm kiếm đa quốc gia đã tìm thấy một hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (hộp đen thứ nhất) của máy bay AirAsia QZ8501.
Đến sáng ngày 13-1, kênh tin tức MetroTV của Indonesia cho biết, các thợ lặn đã tìm được thiết bị ghi âm buồng lái từ đống đổ nát của chiếc máy bay Airbus A320-200 – và chính hộp đen này sẽ là “chìa khóa” quan trọng giúp “giải mã” về nguyên nhân khiến QZ8501 rơi xuống biển Java làm thiệt mạng 162 người đang trên đường bay từ Surabaya, Indonesia, tới Singapore trong ngày 28-12.
Quan chức tìm kiếm cứu hộ Indonesia cho biết Indonesia đã có trong tay 100% thứ cần tìm để điều tra tai nạn vụ thảm họa QZ8501. Hiện hộp đen, bộ ghi âm buồng lái đã được tìm thấy và chuyển về Jakarta. Các chuyên gia dự báo việc giải mã hộp đen để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn có thể kéo dài ít nhất một năm. Thậm chí là lâu hơn.
Hiện nay, đã có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Trong đó, “hiện tượng đóng băng” có thể khiến động cơ “chết máy” hay “điều kiện thời tiết xấu, máy bay đã “lao” vào giữa một cơn bão và chết động cơ, hoặc mất khả năng lấy sức nâng để bay tiếp” là những giả thuyết mà hầu hết các chuyên gia đã đưa ra.
Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cũng khẳng định đó mới chỉ là các phán đoán ban đầu chứ không phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân thảm kịch.
Hộp đen máy bay AirAsia gặp nạn hôm 28-12-2014. Ảnh: CNA
Máy bay bị bắn rơi?
Một giả thuyết quan trọng khác cũng đã được các chuyên gia đề cập rằng, phải chẳng thảm họa là do một vụ nổ giữa không trung hay do một quả bom?
Hãng Reuters cho hay các điều tra viên đang làm việc với chiếc hộp đen, trong đó khoảng 50% thông tin từ "chìa khóa" này đã được "thuật lại".
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất ngày 19-1, các chuyên gia người Indonesia trong quá trình điều tra nguyên nhân tai nạn của chuyến bay AirAsia – QZ8501 cho biết: Dữ liệu trong chiếc hộp đen đã cho thấy chuyến bay không hề có dấu hiệu bị khủng bố hay phi công tự sát khiến máy bay gặp nạn.
Các nhà điều tra cho biết họ đã nghe lại toàn bộ đoạn băng ghi âm nhưng chỉ có thể nắm bắt nội dung khoảng một nửa. Điều tra viên Nurcahyo Utomo của Ủy ban An toàn giao thông Indonesia cho biết: "Chúng tôi không nghe thấy bất kỳ tiếng nói của người nào khác ngoại trừ các phi công. Chúng tôi không nghe thấy bất kỳ âm thanh của tiếng súng nổ. Vì vậy, dựa trên cơ sở đó, chúng tôi đã bác bỏ khả năng chuyến bay bị khủng bố."
Ông Utomo cũng cho biết thêm, không nghe thấy bất cứ câu nào chứng tỏ ý định tự sát của phi công trong vụ tai nạn.
Hiện vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, điều tra và phân tích dữ liệu hộp đen để tìm ra nguyên nhân chính xác, song quan chức thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) Ony Soeryo Wibowo cho biết: "Sẽ phải tốn ít nhất một năm để kiểm tra toàn bộ và tổng kết tất cả các dữ liệu có trong hộp đen của chuyến bay gặp nạn QZ8501".
Được biết, quá trình xử lý hộp đen sẽ rất dài và tốn thời gian bởi hộp đen là công cụ quan trọng chứa gần như là tất cả các thông tin để cơ quan điều tra có thể biết được đâu là nguyên nhân thật sự khiến chuyến bay gặp nạn.
Tính đến hôm 18-1, tổng cộng có 53 thi thể trong tổng số 162 người đã được vớt lên bờ, trong đó có 45 người chưa xác định được danh tính. Đến hết ngày 19-1, vẫn chưa tìm thấy thêm thi thể nào của các nạn nhân. Thời tiết bất lợi cùng các đợt sóng liên tục đã cản trở hoạt động tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Ông Bambang Soelistyo, lãnh đạo tổ chức tìm kiếm và cứu hộ Indonesia (BASARNAS), hứa với các gia đình nạn nhân rằng ông sẽ dốc hết sức để tìm ra toàn bộ thi thể các nạn nhân trên chuyến bay xấu số. Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận rằng, cũng như chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines MH370, "sẽ không đơn giản để tìm thấy một chiếc máy bay bị chìm dưới lòng đại dương".
Người nhà nạn nhân QZ8501 rất lo sẽ không tìm thấy thi thể người thân trên chuyến bay gặp nạn. Ảnh: CNA.
Chuyển các thi thể nạn nhân được tìm thấy.
Theo ông Kames Healy-Pratt, một luật sư hàng đầu về hàng không cho biết: “Tôi thấy rất khó giải thích với các gia đình tại sao AirAsia và công ty bảo hiểm hàng không London Allianz lại trả mức phí bồi thưởng chỉ bằng một nửa so với thân nhân của máy bay MH370 và MH17.
Nhiều gia đình đã từ chối mức bồi thường này. Họ cho rằng một hãng hàng không giá rẻ như AirAsia không nên đối xử với gia đình của các hành khách rẻ rúng, so với hãng hàng không quốc gia như Malaysia Airlines”. Ông Healy-Pratt yêu cầu Tony Fernandes - chủ của AirAsia vào cuộc.
Ông Peter Schmitz từ công ty bảo hiểm Aon cho biết "Thật khó để tính toán tổng tiền đền bù nhưng mức trung bình trên thế giới là 2 hoặc 3 triệu USD mỗi hành khách - một khoản tiền vừa phải”.
Ông cũng ước tính sơ bộ tổng tiền bồi thường khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng dự đoán này còn có thể thay đổi khoảng 100 triệu USD khi nhận được thêm thông tin về hành khách và tai nạn.