Thăm làng nghề bánh tráng hơn 80 tuổi ở huyện Củ Chi

(PLO)- Ghé thăm xưởng làm bánh tráng của chị Phan Thị Kim Pha (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi có thể quan sát từng công đoạn để tạo ra một thành phẩm hoàn hảo.

Video: Thăm làng nghề bánh tráng hơn 80 tuổi ở huyện Củ Chi

Xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM bao quanh 3 mặt là sông Sài Gòn và rạch Láng The với lượng nước ngọt và diện tích lúa nước hơn 700 hecta. Sản lượng gạo dư thừa nên người dân nơi đây đã nghĩ ra chế biến gạo thành nhiều món khác như bún, bánh xèo, bánh tráng...

Từ đó, nghề làm bánh tráng ngày càng được nhân rộng ra nhiều hộ trong xã. Phần lúa gạo để ăn, dư thừa làm ra bánh tráng đã làm gia tăng thêm giá trị hạt gạo và nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ dân tại đây.

Từ xưa, xã Phú Hòa Đông đã hình thành nên làng nghề bánh tráng và lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: THY NHUNG

Những gia đình cha truyền con nối nghề làm bánh tráng

Chị Phan Thị Kim Pha thuộc Hợp tác xã Làng nghề Bánh Tráng xã Phú Hòa Đông chia sẻ, gia đình chị làm nghề này đã được ngót nghét 30 năm, từ thời bà ngoại, đến mẹ chị và nay chị đang làm rồi truyền nghề lại cho con trai.

“Tôi làm bánh từ năm 17 tuổi đến nay cũng đã gần 50 tuổi rồi và vẫn muốn con cháu sau này cũng theo nghề của mình”- chị Kim Pha cười và nói.

Ngày nay dù được máy móc hỗ trợ nhưng làm bánh tráng vẫn rất vất vả. Ảnh: THY NHUNG

Chị Kim Pha cho biết, từ thời xưa, mọi công đoạn đều phải làm bằng tay và rất vất vả. Đến nay, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người làm bánh tráng dù tráng thủ công hay tráng bằng máy đều phải bỏ rất nhiều công sức. Bù lại, những chiếc bánh tráng ở Phú Hòa Đông đều có hương vị đặc biệt không nơi đâu có được.

Các nhân viên đang kiểm tra để loại bỏ bánh tráng bị vỡ. Ảnh: THY NHUNG

“Để ra được một chiếc bánh tráng hoàn chỉnh, bộ phận làm bánh phải chuẩn bị các công đoạn như bột, tách nước, tẻ nước, ra bột ngon mới làm ra thành phẩm một chiếc bánh ngon. Nếu bột không ngon thì ra thành phẩm dở lắm”- chị Pha nói thêm.

Chị Pha cũng chia sẻ, ngày xưa khi bánh tráng phải phơi nắng mất 2 tiếng mới khô nhưng nay đã được giảm tải nhờ máy sấy.

Thực khách đang ăn thử trực tiếp bánh tráng nhiều loại tại xưởng. Ảnh: THY NHUNG

Các loại sản phẩm về bánh tráng cũng có nhiều thay đổi khi khách hàng đặt theo nhu cầu màu sắc gì thì phân xưởng sẽ nghiên cứu để ra được màu theo yêu cầu. Đặc biệt, các loại nguyên liệu từ trái cây, rau củ phải chọn loại tươi mới ra được bánh tráng ngon.

“Hiện nay, bánh tráng của chúng tôi đã xuất khẩu đến Hàn Quốc, Đài Loan và có cả thị trường Mỹ… Đơn hàng được xuất khẩu hàng tháng. Bánh có các vị như thanh long, củ dền, bồ ngót, quả gấc”- chị Kim Pha cho hay.

Xã Phú Hòa Đông có nghề làm bánh tráng từ hơn 80 năm qua và đến thời điểm này, cũng không ai nhớ chính xác bánh tráng Phú Hòa Đông ra đời khi nào, ước chừng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Người dân ở đây kể rằng từ khi lớn lên đã thấy có nhiều người làm bánh tráng và cứ thế các lò bánh tráng được truyền từ đời này sang đời khác, hoặc giữa những người cùng ngành nghề chỉ dạy cho nhau.

Đại diện UBND xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM

Đóng góp rất nhiều cho kinh tế địa phương

Trao đổi với PLO, đại diện UBND xã Phú Hoà Đông cho biết, trên địa bàn hiện có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã làng nghề bánh tráng và 15 hộ tráng bánh thủ công (tráng tay).

Số hộ dân tham gia vào hoạt động sản xuất bánh tráng khoảng 940/7260 (chiếm tỉ lệ 12,9%) trên tổng số hộ trên địa bàn. Có chín tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp hoạt động trên địa bàn với 301 thành viên.

Các nhân viên đang đóng gói các loại bánh tráng. Ảnh: THY NHUNG

“Quy mô sản xuất 90 tấn bánh tráng/ngày, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/lao động, doanh thu khoảng 100 tỉ đồng/tháng, đóng góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế tại địa phương”- vị đại diện cho hay.

Hiện trên địa bàn xã Phú Hòa Đông có nhiều gia đình theo nghề sản xuất bánh tráng. Ảnh: THY NHUNG

Cũng theo vị này, sản phẩm bánh tráng được tiêu thụ trong nước và được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều dòng sản phẩm đa dạng.

Thành phẩm bánh tráng của xã Phú Hòa Đông hiện xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: THY NHUNG

“Song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bánh tráng, trên địa bàn xã vẫn còn giữ lại một số lò sản xuất bánh tráng thủ công truyền thống để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, năng suất và thu nhập năm nay giảm khoảng 30-40%”- vị đại diện UBND xã Phú Hòa Đông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới