Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP

Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP

(PLO)- Du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) là một trong những giải pháp trọng tâm khơi dậy tiềm năng vốn có ở Việt Nam. 

Sáng 22-9, Báo Nông nghiệp Việt Nam (đơn vị Thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.

du-lich-2-8614-1770.jpg
Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” sáng ngày 22-9.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cho biết, nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Một trong số đó là phát triển du lịch nông nghiệp.

Đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP.

du-lich-1-2211-4445.jpg
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV phát biểu tại hội nghị.

Bà Lan đặt vấn đề: "Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn.

Trong 10.000 sản phẩm OCOP đang phát triển ở nước ta, theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) du lịch, hiện nay các sản phẩm đang bị trùng lắp, na ná giống nhau giữa các địa phương".

“Ở giai đoạn đầu, Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product- OCOP) đã đạt được những thành tựu cơ bản, về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương, song hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa chương trình, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương, “mỗi làng một sản phẩm”. Nếu những giá trị ấy được thể hiện qua ẩm thực, quà tặng, qua các sản phẩm du lịch địa phương để giới thiệu cho khách du lịch thì sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa giúp phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn”.

Đây cũng là ý nghĩa và mong muốn của Ban Tổ chức gửi gắm thông qua việc tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp- nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”. TS Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc trung tâm Phát triển Nông thôn- Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.

Ở góc độ làm du lịch, ông Nguyễn Trọng Nghĩa Giám đốc Công ty Saigon Asset, cho biết khi chào mời với khách các sản phẩm tour tuyến thì khách nói "chỗ nào cũng có", DN du lịch "hơi ngại " liệu nó có phải là sản phẩm đặc trưng của địa phương không?

Do đó, cơ quan ban ngành thẩm định lại sự phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, chú trọng sản phẩm OCOP mang tính chất đặc thù, tạo nên cái hồn của sản phẩm địa phương.

du-lich-3-8210-4452.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa Giám đốc Công ty Saigon Asset phát biểu.

"Du lịch nông nghiệp - nông thôn đang phát triển nhưng thiếu sự bền vững, chưa đi đúng hướng, cạnh tranh không lành mạnh, quá nhiều sản phẩm tương đồng, đặc biệt vướng mắc pháp lý về làm du lịch trên đất nông nghiệp. Hay là tư tưởng làm du lịch để cứu nông nghiệp" - bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, nhận xét.

du-lich-4-1899-426.jpg
Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam đề xuất một số giải pháp.

Bà Yến Ly đề xuất đổi mới trong việc phát triển loại hình này: Kế thừa chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" định hướng phát triển thành chương trình "Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn đặc trưng" - One Region One Agriculture Product (OROAP). Các sản phẩm tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt, đặc biệt giúp các cơ quan quản lý Nhà nước sâu sát hơn trong việc quản lý, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp.

Bà Ly cho rằng: "Muốn phát triển được các tour du lịch kết hợp được với nông nghiệp tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ sở ban ngành, các nhà cung ứng dịch vụ, các DN lữ hành phải chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu thị trường tìm khách hàng mục tiêu."

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN&PTNT ký văn bản liên tịch với Bộ VH-TT&DLđể phát triển chương trình này. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

du-lich-5.jpg
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu kết luận.

Thứ trưởng NN&PTNT giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới làm việc với Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.

Khánh thành Không gian OCOP Nhân văn

Trong khuôn khổ diễn đàn, Trung tâm Phát triển Nông thôn- Saemaul Undong đã khánh thành đưa vào sử dụng không gian OCOP Nhân văn tại phòng K013, cơ sở quận 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV tham quan Không gian OCOP Nhân văn. Ảnh: Minh Trí

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV tham quan Không gian OCOP Nhân văn. Ảnh: Minh Trí

Không gian OCOP Nhân văn với thông điệp “Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt” với các kệ trưng bày sản phẩm của hơn 10 DN qua sự lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên “Chiếc thuyền nhân văn”.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại đây mang ý nghĩa là DN cộng đồng thể hiện vai trò, ý nghĩa trong chia sẻ và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng, cùng chung “câu chuyện” nhằm đẩy mạnh phát triển “môi trường” nông nghiệp Việt Nam.

PGS - TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây là tòa nhà lịch sử, có tuổi đời khoảng 150 năm, từ thời Pháp và xây trên nền thành Gia Định.

Việc chọn tòa thành từng là nền móng Thành Gia Định để làm trung tâm, để thấy giá trị lịch sử, giá trị nhân văn luôn hiện hữu trong không gian này".

Đọc thêm