Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, hoàn toàn thống nhất với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2021.
Đại biểu Thuận cho là dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN năm 2021 tiếp tục được đẩy mạnh, ở tất cả ngành, cấp, lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục được tăng cường, đã kết luận và xử lý nghiêm nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Quốc hội hoàn thiện thể chế, giám sát công tác PCTN.
Công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến tốt hơn ở một số địa phương. Việc phát hiện khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn, khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”...
Tuy nhiên, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; công tác phòng ngừa tham nhũng thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định; những vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất lớn nhưng việc xử lý vẫn chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự...
Trong năm 2021, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục, trong đó có sự câu kết, “thông thầu”, “thổi giá” giữa cơ quan, đơn vị và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá. Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với một số hành vi phổ biến như mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng chống dịch bệnh để trục lợi...
Để nâng cao hiệu quả PCTN, trong thời gian tới tôi có một số đề nghị như sau: Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; chú trọng thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung rà soát, sửa đổi các luật, văn bản pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng chống dịch COVID-19.
Đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 05 của trung ương và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật thông tin, tăng cường đấu tranh, xử lý các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh PCTN của Đảng và nhà nước ta.