Nội dung vụ án bắt trói kẻ trộm khá đơn giản: Anh Trình cùng cha (ở xã Vĩnh Bình, Chợ Lách, Bến Tre) giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Nhà anh Trình ở trên cồn, xung quanh là sông nước, do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên cha con anh Trình neo người này lại. Sau khi anh Trình gọi điện thoại lại lần nữa thì trưởng ấp nghe máy và cùng công an ấp đến nhà giải quyết.
Sau đó, anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm, quá trình điều tra ông đã uất ức treo cổ tự tử. Rồi TAND huyện Chợ Lách xử anh Trình tội giữ người trái pháp luật với hình phạt sáu tháng cải tạo không giam giữ và mới đây tòa tỉnh Bến Tre tuyên y án.
Trong lập luận kết tội của mình, các cơ quan tố tụng ở Bến Tre bảo không nên tách hành vi đánh kẻ trộm (vài cái), dùng dây kéo kẻ trộm lên xuống vài lần của cha con anh Trình ra khỏi quá trình bắt giữ kẻ trộm. VKS còn nói không được giữ kẻ trộm quá lâu, bắt trộm là phải giải ngay cho công an, cho trưởng ấp.
Chuyện bắt trộm rồi gọi điện thoại báo hoặc giải tên trộm cho công an thì ai cũng biết. Nhưng trời ạ, đã bảo đêm hôm khuya khoắt giữa xóm cồn không xuồng, không ghe làm sao giải tên trộm qua sông để đưa lên xã? Và đã gọi điện thoại báo mà trưởng ấp không nghe máy thì phải làm sao? Cha con anh Trình đã làm hết cách và khi không còn sự chọn lựa nào khác, cha con anh mới phải giữ tên trộm lại để chờ trời sáng.
Có thể nói cha con anh Trình đã làm cái điều bình thường mà ai cũng sẽ làm khi gặp chuyện, dù người đó có là kiểm sát viên hay thẩm phán. Như thế thì sao gọi là giữ người trái pháp luật! Một chuyện mà ai cũng thấy hiển nhiên đúng, không thể làm khác nhưng tòa án - nơi thực thi công lý thì lại có cái nhìn quá lạ.
Công bằng mà nói hành vi đánh tên trộm vài cái, lấy dây kéo lên kéo xuống vài lần của cha con anh Trình là hành vi sai trái. Nhưng sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu tên trộm bị thương tích từ 11% trở lên, hành vi của anh Trình có thể phạm vào tội cố ý gây thương tích. Còn không, hành vi này chỉ đáng xử lý hành chính (như tên trộm trong vụ này từng bị xử cảnh cáo).
Ấy vậy nhưng các cơ quan tố tụng ở Bến Tre vẫn cố khép tội anh Trình cho bằng được, khiến người ta không khỏi nghi ngờ, rằng đã lỡ khởi tố, truy tố nên phải kết án để né bồi thường oan.
Trong rất nhiều phản hồi của bạn đọc gửi đến Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng với bản án này. Có người nói vui thôi thì từ đây lỡ có phát hiện trộm vào nhà thì phải mời trà, nếu công an chưa đến thì cũng đừng dại mà trói giữ, coi chừng bị tội. Thậm chí có người còn hài hước hơn khi hình dung cảnh tên trộm lên giọng thách thức kiểu như: “Sao, giờ để tui đi hay muốn tui ở lại để ông bị tù như anh Trình ở Bến Tre!”. Một sự giễu nhại khiến thần công lý cũng phải nhảy nhổm!
Pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống, từ những tình huống mang tính đời thực. Cũng có khi giữa pháp luật và cuộc sống có khoảng cách, khi ấy nhà làm luật phải điều chỉnh để pháp luật tiệm cận với cuộc sống. Nhưng trong vụ này, pháp luật và cuộc sống không hề có cự li, mà cự li chỉ có giữa nhận thức của số đông người dân, người hành nghề pháp luật với nhận thức của những người tiến hành tố tụng trong vụ án bắt trói kẻ trộm.
Một vụ án tuy nhỏ nhưng lại thu hút sự quan tâm của công chúng, có khả năng tác động đến suy nghĩ, hành vi ứng xử của người dân trong việc bắt trộm cướp. Một bản án tuy chỉ xử nhẹ hều nhưng lại động chạm vào tâm tư, tình cảm của người dân, có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý của nhân dân. Đủ biết bản án ấy cần thiết phải xem xét lại cẩn trọng như thế nào. Thiết nghĩ các cơ quan tố tụng cấp trên nên quan tâm đến vụ án này, nếu thấy cần thiết thì kháng nghị giám đốc thẩm nhằm đánh giá đúng bản chất vụ án.