Than lậu hoành hành đất mỏ - Bài 3: Cần sớm hình thành thị trường than cạnh tranh

Than thổ phỉ dai dẳng là do quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp ngành than và địa phương không chặt chẽ? TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Than Sông Hồng, khẳng định: “Cái bất ổn nằm xa ngoài quy chế, nó ở trong cơ chế và trong tư duy quản lý ngành than”.

Quản chặt việc khai thác than trong mỏ

. Từ năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản(Vinacomin) đã ký quychế phối hợp nhằm lập lại trật tự trong quản lý khai thác, kinh doanh than nhưng hiệu quả không cao. Theo ông, quy chế này có bất cập hay cơ chế quản lý than có gì không ổn?

+ Đã có lần tôi phát biểu tại hội nghị sơ kết quý III-2011 của Đảng ủy Vinacomin: Trước đây, Vinacomin thường nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán than lậu qua biên giới là do có sự chênh lệch giá giữa than xuất khẩu và than tiêu thụ nội địa. Khi giá than tiêu thụ nội địa tăng lên gần bằng giá xuất khẩu thì hiện tượng khai thác than thổ phỉ cũng sẽ tăng lên mạnh hơn vì đầu ra bây giờ “ngon” hơn, mua và bán lậu than trong nước đơn giản hơn. Than thổ phỉ bây giờ có cơ hội hơn, còn Vinacomin thì lúng túng hơn. Đó là hậu quả của việc “đẽo cày giữa đường”.

Chúng ta phải giải quyết vấn đề tận gốc. Nếu không, có ký nhiều quy chế nữa cũng khó “ngủ yên”. Than thổ phỉ xưa nay vẫn được các phương tiện thông tin đại chúng gọi là hiện tượng. Cái gốc của những bất cập hiện nay của Vinacomin là mô hình tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý.

Việc lập lại trật tự trong quản lý khai thác để xóa bỏ hiện tượng than thổ phỉ -quan trọng nhất là trong ranh giới mỏ. Ngoài ranh giới mỏ không có nhiều than. Nếu nơi nào đó, trong vườn nhà ai đó có than thì chắc cũng không đáng kể. Nhưng trong ranh giới mỏ mà lại khai thác than theo kiểu thổ phỉ thì rất nguy hiểm. Trật tự khai thác than trong ranh giới mỏ xưa nay có vấn đề.

Than lậu hoành hành đất mỏ - Bài 3: Cần sớm hình thành thị trường than cạnh tranh ảnh 1

Những thiết bị thu giữ từ các lò than thổ phỉ. Ảnh: HUY HOÀNG

Vấn đề đáng lo ngại là có hay không các mỏ của Vinacomin do buông lỏng quản lý kỹ thuật, do sức ép về tăng sản lượng để xuất khẩu cũng đang khai thác than theo kiểu thổ phỉ? Hiện tượng than thổ phỉ trong ranh giới mỏ biểu hiện như vi phạm thiết kế, chưa xây dựng cơ bản xong đã khai thác, thiết kế mỏ không dựa trên trữ lượng thực của than, bóc ngắn cắn dài, đào lò xây dựng cơ bản ít nhưng sản lượng khai thác nhiều, pha trộn để chất lượng than ngày càng giảm… Việc lập lại trật tự trước hết phải tập trung vào khâu thiết kế và khai thác than trong ranh giới mỏ theo kiểu thổ phỉ.

Cần đấu giá mua bán than

. Theo ông, phương án đấu giá quyền khai thác mỏ có phải là giải pháp ngăn chặn than lậu hữu hiệu?

+ Chưa phải. Việc đấu giá quyền khai thác than đối với các mỏ hiện đang hoạt động thì Luật Khoáng sản chưa cho phép. Tuy vậy, nếu được thực hiện thì việc này sẽ có tác dụng nâng cao hiệu quả kinh tế của các mỏ, giảm giá thành than, giảm tổn thất than, giúp cho các mỏ phát triển bền vững hơn chứ không phải là giải pháp ngăn chặn than lậu hữu hiệu.

Muốn lập lại trật tự trong quản lý khai thác và kinh doanh than, trước hết phải lập lại trật tự trong công tác quản lý. Bất cập nhất trong khâu quản lý hiện nay là cơ chế “xin-cho” được Vinacomin áp dụng thông qua cái gọi là kế hoạch phối hợp kinh doanh. Cơ chế phối hợp này đang thủ tiêu mọi động lực phát triển cũng như triệt tiêu mọi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích biết cách “xin” và có quyền “cho”.

Trước hết, tập đoàn - công ty mẹ phải thiết lập một thị trường than có cạnh tranh và tổ chức đấu giá mua than của các mỏ để cả người mua và người bán than được “đấu” với nhau một cách sòng phẳng.

.Cụ thể, việc triển khai đấu giá mua bán than nên thực hiện như thế nào?

+ Trước hết, Vinacomin phải làm tốt công tác quản lý nhu cầu than. Khi đã quản lý chặt được nhu cầu về than của nền kinh tế, Vinacomin sẽ dễ dàng thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các công ty con khai thác và kinh doanh than của mình chóng lớn và khỏe mạnh. Sân chơi theo kiểu “kế hoạch phối hợp kinh doanh” của Vinacomin hiện nay chỉ làm cho những “đứa con khôn lỏi” trở thành hư.

Nếu không vì lợi ích nhóm, thay vì “phối hợp kinh doanh” theo kiểu xin-cho, Vinacomin cần tổ chức đấu giá mua than của các mỏ (giống như thị trường điện cạnh tranh của ngành điện) để đưa vào chế biến (nếu là than nguyên khai) hoặc cung cấp thẳng cho khách hàng (nếu là than sạch). Việc tổ chức một thị trường than cạnh tranh của Vinacomin dễ hơn nhiều so với tổ chức thị trường điện cạnh tranh của EVN. Tại sao chúng ta không làm?

Sau khi cân đối đủ lượng than cho nhiệt điện theo giá do Chính phủ kiểm soát, phần than còn lại sẽ được tiêu thụ trên cơ sở đấu giá bán.

. Xin cảm ơn ông.

Hai giải pháp của TP Hạ Long

Tình trạng khai thác than trái phép tại khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng nằm trong ranh giới quản lý tài nguyên của mỏ nhưng có cư dân sinh sống ở trên. Hiện TP Hạ Long có chín phường có cư dân sinh sống đan xen trong vùng tài nguyên than. Các phường có than rất khổ, có khi cả tuần chỉ đi triệt phá than thổ phỉ chứ không có thời gian làm các công việc quản lý khác.

Với các vụ khai thác than trái phép trong vùng xen kẽ dân cư rất phức tạp, chính quyền không thể dùng mìn phá hủy lò. Các máy xúc chỉ phá được từ miệng lò xuống một độ sâu không đáng kể nên “than tặc” có thể khôi phục lò chỉ trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, tình trạng nhiều hộ dân dưới đất vườn có than đã bán hoặc cho thuê để đào lò khá phổ biến. TP Hạ Long đang đề xuất biện pháp thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho ngành than quản lý khu vực, còn hộ dân thì cấp tái định cư đi nơi khác. Một phương án cũng đã được tính tới là những khu vực dân sống đan xen với ranh giới quản lý tài nguyên sẽ thực hiện di dân, khai thác tận thu trong thời gian nhất định sau đó hoàn nguyên tái thiết thành khu dân cư.

ÔngVŨ VĂN HỢP,Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long

HUY HOÀNG

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm