Thận trọng với lạm phát nhưng không để mất cơ hội tăng trưởng

(PLO)- Theo chuyên gia, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, gỡ vướng các vấn đề pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, khơi thông thị trường trái phiếu sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-11, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Lạm phát, lạm phát kỳ vọng và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Lạm phát ở Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy

Tại đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng đối với Việt Nam phải thường xuyên thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, tức là vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Quan sát lạm phát tại Việt Nam thời gian qua, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Lạm phát tăng thấp ở Việt Nam chủ yếu nhờ chính sách “đè nén lạm phát” tức là không tăng giá những mặt hàng do nhà nước quản lý giá như điện, nước, xăng dầu, viễn thông, chi phí giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, lạm phát do cầu kéo cũng không đáng kế, nhờ hiệu ứng suy giảm vòng quay tiền tệ.

Chính vì vậy, việc kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ quá mức có thể không hiệu quả. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy, tức là do giá nhập khẩu xăng dầu và giá hàng hóa cơ bản" - TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng: Các cơ quan quản lý không nên quá quan ngại về kiểm soát lạm phát ở Việt Nam từ góc độ chính sách tiền tệ. Nếu quá thận trọng đối với chính sách tiền tệ đôi khi lại khiến chúng ta phải trả giá cao hơn so với chúng ta đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Lạm phát Việt Nam nếu có thì chủ yếu do chi phí đẩy (giá nhập khẩu xăng dầu, hàng hoá cơ bản).

huy-dong-von-tu-trai-phieu.png
Ngân hàng đang dư thừa vốn.

"Như vậy, đối với điều hành chính sách tiền tệ, chúng ta thận trọng lạm phát nhưng không nên quá quan ngại. Đối với một nền kinh tế đang phát triển thì lạm phát là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất quan trọng. Tôi cho rằng thận trọng quá mức với việc kiểm soát lạm phát có thể khiến chi phí cho việc thận trọng quá mức về lạm phát lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà lạm phát thấp mang lại", ông nói.

Giải pháp để hạn chế lạm phát do chi phí đẩy

Theo vị chuyên gia kinh tế này, Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng tương tự như nhiều quốc gia khác đó là có tiền nhưng không tiêu được. Bằng chứng là thanh khoản trên thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên ngân hàng) dư thừa và NHNN buộc phải hút ròng hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đây là một động thái rất quan trọng, bởi nếu để tiền dư thừa trên thị trường 2 quá lâu có thể tác động ngay đến thị trường ngoại hối. Khi mà lãi suất của đồng USD lên cao, nhưng lãi suất VND lại thấp do thanh khoản dư thừa, sẽ khiến ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ngoại hối và tiếp tục đẩy tỉ giá đi lên. Cách điều hành này của NHNN vừa đủ để duy trì thanh khoản của hệ thống đồng thời giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND.

"Chính vì thế, để hạn chế lạm phát do chi phí đẩy cần tác dụng vào tổng cung chứ không phải phải hạn chế tổng cầu. Như vậy, trong kiểm soát lạm phát ở Việt Nam, chúng ta nên đặt mục tiêu là đẩy tổng cung chứ không nên đặt mục tiêu cố gắng kiểm soát tổng cầu. Hay nói cách khác, chống lạm phát của Việt Nam trong thời điểm hiện nay nên tăng cường các hoạt động thúc đẩy tổng cầu trong dài hạn" - TS Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.

Hiện nay, Chính phủ cũng làm điều đó bằng cách cố gắng giải ngân đầu tư công và thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng để kết nối hạ tầng từ đó chi phí trong nền kinh tế giảm đi. NHNN cũng cho thấy quan điểm không đặt quá nặng vấn đề kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất rất thấp, điều chỉnh liên tục và hiện nay lãi suất của các ngân hàng thương mại đã giảm.

Bên cạnh đó, ông Tú Anh cho rằng: "Vấn đề khó nhất của Việt Nam hiện nay không phải là ngân hàng không có tiền để cho vay mà có tiền, khách hàng muốn vay nhưng bế tắc.

Một là do tổng cung chưa phục hồi, xuất khẩu giảm mạnh. Hai là do thị trường bất động sản ảnh hưởng đến thị trường ngân hàng, bởi có đến 80% tài sản thế chấp tại các ngân hàng thương mại là bất động sản, thị trường này khó khăn về pháp lý không giải quyết được thì gây tắc nghẽn trong thị trường tín dụng.

Việc chúng ta chuyển giao từ hướng kiểm soát lạm phát ở đây bằng cách giảm áp lực chi phí về phía cung sẽ đạt được hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm