Tháng 12 Quốc hội mới xem xét đề xuất mua lại 8 dự án BOT

(PLO)-  Cuối năm nay, Quốc hội mới xem xét đề xuất của Chính phủ về việc mua lại 8 dự án BOT.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tháng 10, Bộ GTVT có văn bản gửi Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc mua lại 8 dự án BOT. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và công tác chuẩn bị hồ sơ chậm, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét đề xuất của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ vừa giao Bộ GTVT thừa ủy quyền Chính phủ chủ động làm việc với các cơ quan Quốc hội để báo cáo, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Thời gian trình dự kiến trong phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2022.

Theo tờ trình mới nhất của Bộ GTVT, để giải quyết triệt để bất cập tại các trạm BOT chỉ còn cách Nhà nước bỏ 13.115 tỉ đồng mua lại. Tuy nhiên, việc chi tiền này vượt thẩm quyền, nên Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương.

Trong tám dự án BOT Bộ GTVT đề xuất mua lại có bốn dự án bất cập về vị trí đặt trạm gồm: Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, đây là dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (gồm bốn công trình hầm là Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân). Theo quyết định của Thủ tướng, dự án sau khi hoàn thành được hoàn vốn tại bảy trạm thu phí, trong đó có trạm La Sơn - Túy Loan. Nói đúng hơn đây là dự án đầu tư một nơi, thu phí một nơi.

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: PLO.VN

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: PLO.VN

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước trả 2.280 tỉ đồng để hỗ trợ dự án. Sau đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ (QL) 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hạng mục đường tránh và đường vành đai phía tây TP. Nhà đầu tư được phép thu phí trên tuyến QL1 để hoàn vốn. Hiện dự án đã thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh và được Bộ GTVT dừng thu phí vào năm 2017. Đối với đường vành đai phía tây, đã hoàn thành vào năm 2019 nhưng đến nay chưa được thu phí trên QL1 để hoàn vốn.

Để gỡ khó cho nhà đầu tư, Bộ GTVT phối hợp với địa phương tìm nơi đặt trạm tại khu vực dự án. Tuy nhiên, khu vực này có nhiều đường song hành, nếu đặt trạm thu phí thì các xe sẽ chọn hướng khác để đi. Nên phương án di dời trạm không khả thi. Vì vậy, cần bố trí 920 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư.

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp QL3, hoàn thành đưa vào khai thác vào tháng 5-2017. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí tại hai trạm thu phí (trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trên QL3), thời gian hoàn vốn khoảng 16 năm một tháng.

Sau khi xem xét, Bộ GTVT nhận thấy bất cập là trạm thu phí QL3 do đặt gần cửa ngõ TP Thái Nguyên nên nhiều xe sử dụng dự án rất ngắn cũng phải trả phí. Thực tế sau khi thu phí, người dân phản đối, gây mất an ninh trật tự nên Bộ GTVT và địa phương thống nhất dừng thu phí.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết do chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới nên hầu hết các xe lựa chọn trạm QL3, dẫn đến doanh thu chỉ đạt 9,9% so với doanh thu theo hợp đồng, gây phá vỡ phương án tài chính. Do đó, Bộ GTVT đề xuất trả cho nhà đầu tư khoảng 3.250 tỉ đồng và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91, được thực hiện gồm hạng mục nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 và QL91B. Nhà đầu tư được đặt hai trạm T1 và T2 trên QL91.

Sau khi hoàn thành đầu tư dự án, thu phí thuận lợi. Tuy nhiên, từ tháng 5-2019, cầu Vàm Cống hoàn thành đưa vào khai thác phát sinh tình trạng người dân tụ tập, phản đối thu phí tại trạm T2 trên QL91. Trước tình hình đó, trạm thu phí T2 phải dừng thu phí từ năm 2019 đến nay, dẫn đến sụt giảm doanh thu còn 25% thay vì gần 90% như trước, làm vỡ phương án tài chính. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất bố trí 1.879 tỉ đồng trả cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bố trí kinh phí 4.786 tỉ đồng để mua lại dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà; dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (tỉnh Phú Thọ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm