Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Quốc hội về việc mua lại nhiều trạm BOT

(PLO)- Bộ GTVT cho biết hiện nay có bảy dự án BOT có bất cập, phương án tài chính bị phá vỡ và không thể thu phí. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trong đó có đề cập đến một số vướng mắc đối với các dự án BOT.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết thời gian qua đã rà soát toàn bộ 70 dự án BOT, trong đó có 21 trạm thu phí có bất cập như nằm ngoài phạm vi dự án, đặt trên đường hiện hữu để hoàn vốn cho cả dự án xây mới và dự án nâng cấp….

Trên cơ sở kết quả đánh giá bất cập, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư áp dụng nhiều giải pháp để xử lý vướng mắc.

Chẳng hạn như di dời trạm thu phí về vị trí phù hợp, bổ sung trạm thu phí trên tuyến tránh để tách riêng phần hoàn vốn cho đường hiện hữu và cho tuyến tránh, gộp trạm có khoảng cách quá gần nhau…

Nhiều trạm BOT hiện nay có mức thu phí thấp hơn dự kiến. Ảnh: V.LONG

Nhiều trạm BOT hiện nay có mức thu phí thấp hơn dự kiến. Ảnh: V.LONG

Hiện còn lại bốn trạm BOT do tính chất đặc thù và một số nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể nên vượt thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT gồm: Bỉm Sơn trên quốc lộ 1, tỉnh Thanh Hóa; Bờ Đậu trên quốc lộ 3, tỉnh Thái Nguyên; La Sơn - Túy Loan trên cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan, tỉnh Thừa Thiên - Huế; T2 trên Quốc lộ 91, TP Cần Thơ.

Bộ GTVT cũng cho biết trong tổng số 70 dự án BOT đến nay có 54 dự án đang tổ chức thu phí hoàn vốn, các dự án còn lại chưa được thu phí hoặc đang dừng thu phí để quyết toán và thanh lý hợp đồng.

Trong tổng số 54 dự án đang thu phí, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%.

Cá biệt Bộ GTVT cho biết có ba dự án doanh thu chỉ đạt dưới 30% so với phương án tài chính, gây phá vỡ phương án tài chính gồm: BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 tỉnh Đắk Lắk; dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi.

Nguyên nhân dẫn đến doanh thu các trạm BOT sụt giảm là do một số dự án nhà nước chưa cho phép các dự án tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng. Lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí ….

Với bốn trạm BOT bất cập chưa được thu phí như nêu ở trên, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 3 trạm thu phí là Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1, Bờ Đậu trên Quốc lộ 3 và trạm T2 trên Quốc lộ 91. Đối với trạm La Sơn – Túy Loan; đề xuất bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác nhằm thay thế quyền thu phí tại trạm này.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp của Bộ GTVT, đến nay các bộ, ngành và địa phương đã cơ bản thống nhất về sự cần thiết và các giải pháp xử lý. Tuy nhiên, một số nội dung pháp luật hiện nay chưa quy định và chưa xác định nguồn vốn để xử lý.

“Do đó, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý của từng dự án, đồng thời đề xuất nguồn vốn phù hợp để hoàn thiện Báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội xem xét quyết định…”- Bộ GTVT cho hay.

Đối với ba dự án BOT phương án tài chính bị phá vỡ và không thể thu phí, bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn nhà nước thanh toán chi phí đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tương tự như giải pháp đề xuất đối với 3/4 trạm bất cập nêu trên.

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ ngày 7-6 đến ngày 9-6, Quốc hội có phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng và ba bộ trưởng

Trong đó, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ sẽ trả lời chất vấn nội dung về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm