Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 8 cây vàng giữa nguyên đơn là bà H và bị đơn là vợ chồng bà Q.
Tại toà, bị đơn không thừa nhận có vay mượn
Theo hồ sơ, bà H trình bày vào ngày 10-10-2021 (âm lịch), bà cho vợ chồng bà Q vay/mượn 8 lượng vàng 24 kara. Đây là số vàng bà mượn của mẹ bà. Khi mượn vàng, vợ chồng bà Q viết biên nhận và giao cho bà quản lý giấy tờ đất do chồng bà Q đứng tên để thế chấp, đảm bảo cho khoản nợ.
Theo thỏa thuận, vợ chồng bà Q hứa đến tháng 9-2022 sẽ trả lại số vàng trên nhưng đến nay vẫn chưa trả nên bà khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Q trả lại 8 lượng vàng 24 kara; bà đồng ý trả lại giấy tờ đất khi vợ chồng bà Q thanh toán xong nghĩa vụ.
Ngược lại, phía bị đơn không thừa nhận có vay mượn vàng của bà H nên không đồng ý trả. Hơn nữa vào các năm 2017, 2019, 2021, ông bà sửa chữa nhà nên có gửi vật dụng và giấy tờ đất cho cha (lúc này sống chung nhà bà H). Trong quá trình gửi tài sản thì thất lạc giấy tờ đất mà bà H đang giữ.
Bị đơn phản tố yêu cầu hủy giấy tờ đất do chồng bà Q đứng tên để cấp lại cho ông này.
Xử sơ thẩm, TAND quận Thốt Nốt chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc vợ chồng bị đơn trả cho bà H 80 chỉ (8 lượng) vàng 24 kara; ghi nhận nguyên đơn tự nguyện trả lại giấy tờ đất cho bị đơn.
Sau đó, bị đơn kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm và trả lại giấy đất cho bị đơn.
Tòa căn cứ vào lời khai của bị đơn tsi cơ quan công an
Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX nhận định, tuy bị đơn không thừa nhận vay vàng của nguyên đơn nhưng quá trình làm việc tại cơ quan công an (sau khi xảy ra việc xô xát giữa hai bên về việc nguyên đơn đòi bị đơn trả vàng) có cơ sở xác định bị đơn có vay vàng của nguyên đơn.
Tòa trích dẫn các biên bản có lời khai bị đơn khi làm việc với công an liên quan đến xô xát, trong đó thể hiện bà Q có mượn 8 lượng vàng, bà có đưa lại “bằng khoán” cho bà H.
Theo tòa phúc thẩm, phía bị đơn thừa nhận có ký vào các biên bản (khi làm việc với công an) nhưng không đọc là không đúng, vì cuối biên bản có cán bộ đọc lại cho bị đơn nghe, và công nhận là đúng nên bị đơn ký tên.
Tòa dẫn thêm các biên bản để chứng minh việc lấy khai ở công an phường cũng như tại cơ quan cảnh sát điều tra thì đến hiện tại bị đơn chưa cung cấp được chứng cứ chứng minh để xác định cán bộ lấy khai ghi sai lời trình bày của bị đơn.
Tòa cho rằng lời khai những người làm chứng tuy chỉ nghe nói việc mượn vàng giữa các bên, không chứng kiến trực tiếp, nhưng phù hợp với lời khai của nguyên đơn, bị đơn đã thừa nhận nên cũng được xem xét đánh giá trong tổng thể các tình tiết sự kiện trong vụ án.
Cũng theo tòa, tất cả lời khai của bị đơn tại công an, khi tòa án cấp sơ thẩm giải quyết đã được cơ quan công an lưu giữ cung cấp cho tòa án nên được xem là chứng cứ hợp pháp và được sử dụng làm căn cứ để xác định tình tiết khách quan của vụ án theo quy định Điều 93 BLTTDS.
Chính trong các biên bản lấy khai này, bị đơn thừa nhận có vay vàng của nguyên đơn 8 lượng vàng nên dù việc vay vàng giữa các bên không làm biên nhận, bị đơn không thừa nhận trong quá trình giải quyết ở tòa án, nhưng bị đơn thừa nhận tại cơ quan có thẩm quyền khác cũng được xem là tình tiết sự kiện không cần phải chứng minh. Đây là cơ sở để buộc bị đơn trả nợ cho nguyên đơn.
Tòa cho rằng, việc nguyên đơn giữ giấy đất của bị đơn là chứng cứ xác định bị đơn có vay vàng, bởi không ai tự đem giấy đất là quyền về tài sản cho người khác giữ trong khi không có điều kiện hay mối liên quan nào. Ngoài ra, tòa cũng dẫn các lời khai của nhân chứng để bác bỏ việc chồng bà Q gửi giấy tờ đất nhà cha mẹ (ở chung với nguyên đơn).
Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 80 chỉ (8 lượng) vàng 24 kara.