Ngày 13-9, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trần Hoàng Kha (27 tuổi) về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản do có kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo thể hiện tính xem thường pháp luật, dù nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng bị cáo vẫn cố tình vi phạm. Do đó cần phải cách ly bị cáo một thời gian mới đủ sức răn đe.
HĐXX cho rằng mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, các tình tiết giảm nhẹ cũng đã được cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo. Từ đó, tòa không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Kha, tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo sáu tháng tù về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Bị cáo Kha tại tòa ngày 13-9. Ảnh: NN
Theo hồ sơ, khoảng 21 giờ 30 ngày 5-10-2018, lực lượng chức năng Công an phường Long Hòa (quận Bình Thủy) phát hiện, bắt quả tang Trần Hoàng Kha có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản tại sông Rạch Súc (khu vực Bình An, phường Long Hòa).
Vật chứng thu giữ, tạm giữ gồm hai bình ắc quy, một máy chạy xăng, một cây vợt tự chế, một bộ dụng cụ kích điện, một vỏ lãi composite dài khoảng 6 m, một bộ máy bơm nước, một máy bơm oxy, một thùng xốp, khoảng 10 kg các loại thủy sản có kích thước lớn, nhỏ khác nhau.
Quá trình điều tra, Kha khai khoảng 20 giờ cùng ngày, Kha mang theo các vật chứng trên điều khiển vỏ lãi chạy máy đi tìm nơi khai thác thủy sản. Khi đi đến đoạn sông Rạch Súc thì Kha sử dụng các dụng cụ mang theo để khai thác thủy sản. Đến 21 giờ 30 cùng ngày thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Trước đó, vào tháng 1-2018, Kha bị UBND phường Ba Láng (quận Cái Răng) xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Kha đã nộp phạt số tiền này.
Theo giám định, bộ kích điện sử dụng ắc quy hoạt động, điện áp đầu ra có chỉ số bằng 266,9V. Điện áp 266,9V là mức điện áp nguy hiểm. Khi sử dụng mức điện áp này khai thác thủy sản dưới nước thì có thể gây hại cho loại nguồn lợi thủy sản (mức độ nguy hoại phụ thuộc các yếu tố: thời gian kích điện, thể trạng các loài thủy sản, cự ly tác động, điện trở của nước…).
Khi tòa vào nghị án, Kha cho biết bản thân chỉ có nghề làm thuê, ai thuê gì làm đó nên hay tranh thủ thời gian đi xuyệc điện bắt thủy sản trên sông để làm đồ ăn cho gia đình và có nhiều thì bán. Vợ Kha cũng thường đi mua lại cá của người khác bắt để bán lại kiếm lời.
“Ở xóm em ai cũng có người bắt cá như em. Khi nghe em bị ra tòa thế này nhiều người hỏi lắm. Hồi nào giờ em thấy bị phạt tiền thì đóng rồi lại đi bắt chứ không biết còn bị tù. Khi bị phạt tiền mấy lần trước cũng không ai nói với em việc này. Giờ thì em sợ rồi, kiếm cách khác chứ không bắt cá bằng xuyệc điện nữa” - Kha cho hay.