Ngày 8-2, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM xác nhận Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đang thanh tra tại một số đơn vị có mua sắm trang thiết bị do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) cung ứng. Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị kết án (vắng mặt) 30 năm tù về hai tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Thiết bị xử lý rác thải y tế tại BV đa khoa TP Buôn Ma Thuột do Công ty AIC cung ứng. Ảnh: VŨ LONG |
Thanh tra đang làm rõ
Theo nguồn tin, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sẽ thanh tra tại Sở TN&MT, Sở Y tế, Sở GD&ĐT.
“Việc thanh tra này theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Đắk Lắk. Hiện chưa có kết luận cuối cùng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đang tiến hành làm” - nguồn tin này cho hay.
Theo nguồn tin khác, Sở GD&ĐT cũng đã có báo cáo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk về việc sở này có mua một số trang thiết bị trường học từ AIC. “Việc mua sắm xảy ra từ năm 2012 và 2013” - đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho hay.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, kiểm tra 44/59 thiết bị của dự án, chỉ có 6/44 thiết bị đúng nhãn mác; 22/44 thiết bị không đúng nhãn mác; 12/44 thiết bị không có nhãn mác…
Còn tại Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, tháng 10-2011, sở này được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị lắp đặt cho hai trạm quan trắc khí tự động di động và nước tự động di động với tổng kinh phí gần 29 tỉ đồng. Công ty AIC là đơn vị trúng thầu.
Trong hợp đồng thỏa thuận, Công ty AIC chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ hàng hóa, máy móc thiết bị của gói thầu do nhà sản xuất MCZ của Đức sản xuất.
Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu trên sau đó đã kéo dài thời gian cung ứng thiết bị. Cụ thể, ngày 28-11-2013, đơn vị trúng thầu trên giao 44/59 bộ phận thuộc thiết bị phục vụ cho hai trạm quan trắc.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, kiểm tra 44/59 thiết bị của dự án, chỉ có 6/44 thiết bị đúng nhãn mác; 22/44 thiết bị không đúng nhãn mác; 12/44 thiết bị không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ; một thiết bị chưa được lắp đặt và phụ tùng kèm theo cho một trạm thiếu đồng bộ.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đến nay, hai trạm quan trắc di động tự động này đã hoạt động bình thường. Nhưng mãi đến năm 2020 hay 2021 gì đó, các trạm này mới được nghiệm thu”.
Một số thiết bị tập kết bên trong khuôn viên Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh Gia Lai. Ảnh: AX |
Trúng thầu gần 122 tỉ đồng
Tháng 12-2021, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư) phê duyệt chọn nhà thầu cung ứng thiết bị cho dự án nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường.
Liên danh Công ty cổ phần MOPHA, Công ty cổ phần Uy tín Toàn Cầu và Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ và thiết bị Phan Lê là đơn vị trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu gần 122 tỉ đồng. Công ty cổ phần MOPHA là công ty thành viên trực thuộc Công ty AIC.
Mới đây, đoàn khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đề xuất không lắp trạm quan trắc không khí tự động, liên tục tại tám địa phương. Lý do, mật độ dân cư, phân bố dân cư, mật độ giao thông, hoạt động của các doanh nghiệp có phát sinh khí thải ra môi trường không lớn; chưa thật sự cần thiết phải theo dõi; không nằm trong quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có nhiều trang thiết bị đang tập kết, phủ bạt trong khuôn viên của Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh Gia Lai.
Ở động thái liên quan, đầu năm 2023, Công ty cổ phần MOPHA đã có văn bản gửi văn bản đề nghị Sở TN&MT bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
PV đã liên hệ với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai qua điện thoại nhưng chưa nhận được phản hồi.
Thiết bị xử lý rác thải bị lỗi
Trong diễn biến khác, tháng 10-2011, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê (thị xã An Khê) với tổng vốn đầu tư hơn 117,5 tỉ đồng; công suất xử lý 30 tấn rác thải/ngày. Công ty AIC là đơn vị thực hiện gói thầu số 6, gồm cung cấp, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật, máy móc xử lý rác... trị giá 85,7 tỉ đồng.
Theo hợp đồng ký kết, ngày 30-6-2013, nhà thầu phải thực hiện xong gói thầu. Tuy nhiên, sau khi được gia hạn tiến độ, đến hết tháng 6-2016, nhà máy vẫn chưa thể hoàn thiện để chạy thử toàn bộ hệ thống với lý do… sự cố kỹ thuật.
Nhà thầu đã cử người của công ty đến và mất rất nhiều thời gian khắc phục để đưa nhà máy vào vận hành.
Tháng 8-2013, Công ty AIC hoàn thiện lắp đặt thiết bị xử lý rác thải y tế tại BV đa khoa TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Thiết bị có tên Sterishred 250 (xuất xứ ở Đức); tổng giá trị gần 3 tỉ đồng. Một tháng sau, thiết bị này chính thức được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn (khoảng hai tuần), lò đốt rác buộc phải ngừng vận hành vì sự cố về kỹ thuật. Sau đó lò này ngừng hoạt động suốt thời gian dài, dù công ty đã cử chuyên gia nước ngoài đến kiểm tra, sửa chữa.•
Ngành giáo dục Gia Lai mua thiết bị AIC hơn 100 tỉ đồng
Ở diễn biến liên quan, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành thanh tra việc Sở Y tế tỉnh này cũng mua trang thiết bị y tế từ Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).
Còn đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết sở đã làm báo cáo gửi Sở KH&ĐT, đồng thời phối hợp với công an tỉnh để cung cấp những thông tin liên quan mua sắm trang thiết bị của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế AIC. Theo đó, từ năm 2013-2014, ngành giáo dục Gia Lai đã mua hơn 100 tỉ đồng…