Làm rõ sai phạm của các đảng viên liên quan vụ AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát

(PLO)- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu phải tập trung kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại tập đoàn FLC, Vạn Thịnh phát, Công ty AIC,...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-1, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Vẫn còn tình trạng kiểm tra, giám sát mang tính hình thức

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã đạt được trong năm 2022.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn có những hạn chế, thiếu sót.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; chậm ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc xác định nội dung, chương trình kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực của UBKT các cấp; chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy về công tác kiểm tra. Nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với những vấn đề nổi còn gây bức xúc ở địa phương, đơn vị.

Công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị, nhất là cấp huyện, cấp cơ sở vẫn còn mang tính hình thức, chưa quyết liệt; đùn đẩy trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên.

Công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu của cấp ủy còn hạn chế. Công tác giám sát chưa kịp thời, còn bị động, chưa có quy trình giám sát thường xuyên.

Cạnh đó, hiệu quả cảnh báo phòng ngừa vi phạm sau giám sát, hạn chế một số tổ chức đảng chậm khắc phục vi phạm. Những khuyết điểm đã chỉ ra trong kết luận kiểm tra, giám sát lại tiếp tục tái phạm, đến mức phải xử lý kỷ luật.

“Có một yêu cầu đặt ra trong vấn đề cảnh báo, phòng ngừa vi phạm sau giám sát là làm sao cái sai đó không lặp lại lần nữa”- ông Võ Văn Thưởng nói và đặt vấn đề tại sao có cán bộ bị kỷ luật rồi, thậm chí rất nghiêm lại không rút được bài học nào?

Bảo vệ người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Thường trực Ban Bí thư gợi mở một số nhiệm vụ quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp quan tâm trong năm 2023.

Trước hết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật.

Ông Võ Văn Thưởng phân tích bài học trong hai nhiệm kỳ qua cho thấy ở đâu người đứng đầu quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, định hướng cho công tác kiểm tra thì ở đó công tác kiểm tra, giám sát chuyển biến mạnh; khuyết điểm, vi phạm ít đi.

“Kiểm soát khéo thì sẽ nhìn thấy hết cả khuyết điểm. Hơn nữa, kiểm tra càng khéo thì khuyết điểm nhất định bớt đi. Đây cũng là cái tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng”- ông nói.

Trong đó, phải tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục quán triệt phương châm giám sát phải mở rộng để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm.

“Không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ, tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng dẫn đến vi phạm kỷ luật của đảng và pháp luật. Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”- ông Võ Văn Thưởng lưu ý và yêu cầu phải thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm.

Ông nói thêm, qua thực tế thấy rõ một điều, nếu giám sát thường xuyên sẽ hạn chế được các sai phạm. Còn nếu giám sát ít, đợi sai phạm rồi tới kiểm tra thì hậu quả nó sẽ lớn hơn.

Theo ông, lãnh đạo phải là người hiểu tính cách của cán bộ, biết cán bộ dưới quyền có thể làm việc nào để phân công, nắm chắc chuyên môn của từng người để giao đúng việc.

“Có những cán bộ nếu phân công cho họ quản lý vấn đề tiền bạc là thế nào cũng có chuyện, hoặc phân công làm công tác tổ chức thì sẽ dính dáng tới người nhà, đồng hương... Ở các vị trí, nếu chúng ta chịu khó quan tâm và có đánh giá, giám sát sẽ thấy rõ điều đó”- ông Võ Văn Thưởng nêu.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu UBKT các cấp nghiêm túc, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh giao. Đặc biệt, phải tập trung kiểm tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức đảng viên có liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại tập đoàn FLC, Vạn Thịnh phát, Công ty AIC...

Về điểm này, ông Võ Văn Thưởng cho rằng vừa qua đã xử lý hàng loạt sai phạm của nhiều cán bộ, nhưng dường như nhiều cán bộ chưa biết sợ.

“Những sai phạm đó phải chăng là do cán bộ mình tham lam, liều lĩnh, bất chấp nên vi phạm? Nó chỉ dừng lại ở đó hay là có nguyên nhân gì khác? Có nguyên nhân gì đó về cơ chế hay về chính sách ban hành, quy định lỏng lẻo?”- Thường trực Ban Bí thư đặt vấn đề.

Ông nói: "Xã hội băn khoăn, lo lắng là có tham nhũng chính sách hay không? Có phối hợp với nhau để làm chính sách lỏng lẻo để lợi ích nhóm dựa vào đó mà thao túng, hưởng lợi hay không? Những việc này cần phải được tính toán để hạn chế tối đa”.

Từ đó, ông yêu cầu UBKT trong năm nay phải kiểm tra, làm rõ một số vụ việc như vậy để xem có tiêu cực không hay chỉ là do năng lực kém, hay do cán bộ chủ động nhưng không ngờ hậu quả xảy ra đối với kinh tế - xã hội quá lớn.

Bên cạnh việc kiểm tra các vụ án, vụ việc cụ thể, UBKT các cấp phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của đảng; nhất là việc cụ thể hóa thể chế, pháp luật, chính sách để chủ trương đường lối của đảng, thực sự đi vào cuộc sống.

Thường trực Ban Bí thư nhắc lại yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt” quyền lực vào lồng cơ chế, bịt những lỗ hổng trong các cái quy định, quy chế gây ra nhũng nhiễu, tham nhũng. Tới đây, phải tập trung kiểm tra để làm sao hạn chế đối đa thiệt hại của nhà nước và xã hội.

Cần tập trung tăng cường kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

"Phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, bảo đảm mỗi quyết định của UBKT luôn khách quan, chính xác, có lý, có tình, là quyết định của lẽ phải, của trách nhiệm và tình đồng chí, của công lý trong Đảng" - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Phải bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Theo Thường trực Ban Bí thư, cần phải bảo vệ cán bộ ngay trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiểm tra, giám sát.

"Tôi đề nghị là Bí thư cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo để làm sao cụ thể hóa và xử lý ngay từ cấp ủy của mình. Không phải lúc nào cũng trông chờ ở trên"- Thường trực Ban Bí thư giao nhiệm vụ.

Theo ông Võ Văn Thưởng, để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra Đảng trong tình hình hiện nay, điều kiện tiên quyết là phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, trung thực, khiêm tốn, có năng lực, trình độ chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ cũng phải liêm chính, không chịu bất cứ sức ép, sự cám dỗ, mua chuộc nào.

“Cán bộ kiểm tra phải là hiện thân của kỷ luật đảng”- ông nói.

Ông cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ; chú trọng luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra đảng các cấp, góp phần đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ kiểm tra.

Năm 2022, có 10 ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết năm 2022, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức đảng và 10.475 đảng viên (tăng 17,57% tổ chức đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021).

Đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức đảng, 3.595 đảng viên. Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng, 16.202 đảng viên.

Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên.

Có 10 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thi hành kỷ luật. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 101 tổ chức đảng và 5.356 đảng viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm