Thành ủy TP.HCM và Hà Nội hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực

(PLO)- Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước những thách thức mới, TP.HCM và TP Hà Nội kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau lúc này là rất quan trọng và hết sức cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã cùng dự.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời cảm ơn đến TP Hà Nội vì sự chia sẻ, quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho TP.HCM nhất là trong lúc phòng chống dịch COVID-19.

Nhân đây, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chúc mừng Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô; tổ chức tuyên dương công dân ưu tú năm 2023; cùng những thành tựu, kết quả quan trọng đạt được qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, nhất là tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô cao hơn mức chung của cả nước.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhìn nhận, trong bối cảnh chung tác động từ bên ngoài, kinh tế của TP Hà Nội tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước cho thấy sức bền, khả năng thích ứng kinh tế Thủ đô vẫn là điểm sáng.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu nhiều mặt về văn hóa, xã hội, nhất là quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo; hạ tầng giao thông không ngừng phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững chắc; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

TP.HCM và Hà Nội hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Bí thư TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng ký kết bản ghi nhớ. Ảnh: THANH THUỲ

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, cả TP.HCM và TP Hà Nội đều có bổn phận và nỗi lo giống nhau. Trước những thách thức mới, việc kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau lúc này là rất quan trọng và hết sức cần thiết.

“Mục đích của cuộc gặp của hai bên đều muốn đạt đó là trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực thi, chia sẻ những mặt làm được và chưa được; học hỏi lẫn nhau nhằm xây dựng mối quan hệ lâu bền"- Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay.

Theo đó, giữa Ban Thường vụ Thành ủy của hai thành phố đã ký kết bản ghi nhớ kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023 – 2025 và phương hướng những năm tiếp theo với 9 nội dung, lĩnh vực.

Cụ thể là về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; quản lý nhà nước và cơ chế chính sách; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xúc tiến thu hút đầu tư; phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, giáo dục, y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn, quốc phòng và an ninh và báo chí, tuyên truyền.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên mong muốn cả hai bên cùng trao đổi các kinh nghiệm về xây dựng chính quyền đô thị, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả tổng các nguồn lực đầu tư phát triển.

Các vấn đề về giải quyết và tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách có liên quan đến tài chính, chính sách công, các quy hoạch quản lý đô thị; giải pháp khắc phục những bất cập do tồn tại ùn tắc giao thông...

Ngoài ra, cả hai thành phố cũng cần quan tâm đến xây dựng, phát triển văn hóa xã hội và con người, nâng cao chất lượng sống vì dân, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và nét đẹp truyền thống của Hà Nội cũng như Sài Gòn- Gia Định- TP.HCM trên tinh thần cởi mở, đạt hiệu quả cao.

Theo Biên bản ghi nhớ, hai địa phương sẽ hợp tác trên 10 lĩnh vực

(1) Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị

- Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng

- Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính

- Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác dân vận, tiếp xúc, đối thoại, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp

- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng; công tác tổng kết thực tiễn, xây dựng văn kiện đại hội và chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp.

(2) Quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương đối với từng địa phương; công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, kế hoạch sử dụng đất...

(3) Lĩnh vực kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư

- Thường xuyên, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các giải pháp cải thiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước (FDI), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về các định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các tiềm năng, cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh...

- Tăng cường hợp tác, liên kết, trao đổi thông tin giữa các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm trao đổi thông tin, đánh giá tiềm năng và lợi thế so sánh của 2 địa phương với mục đích tăng cường thu hút đầu tư vào từng địa phương và cả vùng.

(4) Phát triển đô thị, bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, quản lý đô thị;

- Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD.

- Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách và quản lý phát triển các loại hình nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; quản lý và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; xây dựng đô thị văn minh. Bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình ứng phó, biến đổi khí hậu.

(5) Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

- Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án trọng điểm văn hóa, thể thao và du lịch.

- Hỗ trợ, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ để nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh; trao đổi kinh nghiệm trong công tác số hóa, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng.

- Trao đổi kinh nghiệm về công tác phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đô thị, du lịch MICE; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(6) Lĩnh vực giáo dục và y tế

- Tăng cường hợp tác, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đầu tư về giáo dục- đào tạo; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục.

(7) Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trao đổi, chia sẻ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến về nông nghiệp; xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới; (8) Quốc phòng, an ninh

Tăng cường liên kết, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; chia sẻ kinh nghiệm về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ.

(10) Lĩnh vực báo chí, tuyên truyền

Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, dư luận xã hội; chỉ đạo các cơ quan báo chí 2 thành phố, truyền hình hai địa phương trao đổi kinh nghiệm, phối hợp xây dựng chương trình tuyên truyền về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của hai thành phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm