Ngày 16-10, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 - Ban chỉ đạo tổng kết Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và con người đã làm việc với Thành ủy TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.
Xây dựng môi trường văn hóa công bằng, nhân ái
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng lĩnh vực văn hóa - xã hội gồm nhiều vấn đề rộng lớn, đa dạng, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn nữa. Từ đó, ông yêu cầu các ban ngành TP cần có sự nghiên cứu để tìm ra những hệ giá trị mà TP.HCM đã đạt được suốt chặng đường 40 năm qua trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP luôn nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội, con người đồng bộ với phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, an ninh xã hội.
Mặc dù vậy, Bí thư TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề chưa phát triển ngang tầm với kinh tế TP. “Những giải pháp về huy động, phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa tương xứng và thiếu đồng bộ” - ông Nên nhìn nhận và cho hay TP đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, con người trong giai đoạn tới.
Ông lưu ý các cấp trong quá trình phát triển ở lĩnh vực này cần chú tâm đến xây dựng văn hóa, con người TP theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải giữ được cốt cách, bản sắc. “Chúng ta phải tiếp nối, giữ gìn và phát huy, tiếp tục khai thác các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31, ông Nên nói điều này đòi hỏi TP phải không ngừng hoàn thiện các chính sách cho phù hợp.
Ông lưu ý cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, xem đây là nhiệm vụ cốt lõi để hình thành các TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng, nhân ái để mọi người sống trên mảnh đất này phải tự hào là công dân của TP.HCM.
Kỳ vọng TP.HCM có những giải pháp đột phá trong văn hóa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM trong phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng con người. Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM với vai trò của mình cần nghiên cứu sâu các chính sách văn hóa - xã hội, đào tạo con người, từ đó có những bài học, kinh nghiệm, giải pháp mới áp dụng cho cả nước.
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng con người là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng trong nhiều giai đoạn, thời kỳ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn sau cuộc làm việc, đoàn công tác cùng TP.HCM sẽ nghiên cứu sâu, kỹ các thành tựu, hạn chế suốt quá trình phát triển vừa qua. Ông cũng kỳ vọng TP.HCM sẽ đề ra được những giải pháp đột phá, sáng tạo, có tính ứng dụng cao, không chỉ áp dụng ở TP.HCM mà còn cho cả nước.
“Tôi mong muốn TP.HCM sẽ nghiên cứu, có những chính sách để tạo ra các thành tựu đột phá về văn hóa - xã hội và xây dựng con người, hướng tới chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết 98
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người, TP.HCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa - xã hội. Đời sống và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân TP ngày càng phong phú, đa dạng.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, ông Phạm Đức Hải cho hay TP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đẩy nhanh thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn hóa, chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm về văn hóa, nghệ thuật.
Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao... theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Cùng với đó, thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn TP. Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP giai đoạn 2020-2030...
TP.HCM cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, gắn với thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội…