Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM: Cần xây dựng mô hình thể chế, quản trị công ở các đô thị

(PLO)- Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cần nhanh chóng hoàn thiện các mô hình thể chế, quản trị công quốc gia ở những đô thị tập trung đến 90% GDP của cả nước. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-10, Đoàn khảo sát nhóm 6 Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đã có buổi làm việc với Thành uỷ TP.HCM.

40-nam-doi-moi-phan-cap-phan-quyen-CQĐT.JPG
Đoàn khảo sát nhóm 6 Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới làm việc với Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: THANH THUỲ

Xây dựng TP.HCM là trung tâm của khu vực Đông Nam Á

Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó trưởng nhóm 6 Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát, nhìn nhận qua 40 năm đổi mới, TP.HCM đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, kinh tế duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức cao.

TP.HCM luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, đã thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội…

TP.HCM cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay, là mô hình tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, đóng góp vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện.

Việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị chưa có bước đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố.

Cơ sở vật chất và nhân lực trong các trường học còn có mặt hạn chế; cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực y tế chưa theo kịp nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng.

Ông Đinh Tiến Dũng mong TP.HCM tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị...

TP.HCM cũng cần đổi mới, sáng tạo không ngừng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước... Tiến tới xây dựng một TP.HCM là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

40-nam-doi-moi-phan-cap-phan-quyen-CQĐT (3).JPG
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng nhóm 6 Ban chỉ đạo tổng kết Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát kết luận buổi khảo sát. Ảnh: THANH THUỲ

Quản trị đô thị là vấn đề cốt lõi

Trước đó tại buổi làm việc, GS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã đặt vấn đề về liên kết vùng hiện nay.

Theo ông Thuấn, Bộ Chính trị ban hành sáu Nghị quyết về phát triển sáu vùng, vậy TP.HCM đóng vai trò nào trong vùng Đông Nam bộ? Liệu cơ chế hiện có đã giải quyết được bài toán liên kết vùng hay chưa?...

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận nước ta đang ở trong thời kỳ mà xu thế đô thị hoá đang diễn ra rất nhanh. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 Việt Nam có 42 triệu dân sống ở thành thị (chiếm 41%). Đến năm 2040, con số này là hơn 50%.

“Với số dân ở thành thị như thế thì câu chuyện đặt ra không chỉ là của TP.HCM, Hà Nội hay là Đà Nẵng về thực hiện mô hình chính quyền đô thị nữa mà là mô hình thể chế, quản trị công quốc gia ở những đô thị tập trung đến 90% GDP của cả nước. Toàn bộ trí tuệ, công nghệ đều tập trung ở đây” - PGS.TS Nguyễn Tấn Phát nói và cho rằng quản trị đô thị là vấn đề cần quan tâm trong thời điểm này.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cũng cho rằng 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã có những thành tựu nhất định. Dù vậy cũng cần nhìn vào thực tế để thấy các vấn đề còn tồn tại, từ đó có câu trả lời xác đáng hơn.

Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM dẫn chứng, ở các thành phố lớn cứ mưa xuống là ngập nước, kẹt xe hay hạ tầng bệnh viện đã đáp ứng được hay chưa, hệ thống các trường công lập đã tiến tới miễn hoàn toàn học phí, hay mức sống của người dân hiện nay như thế nào?... Đây là những câu chuyện rất đáng quan tâm để có thể định hình rõ hơn về công cuộc đổi mới trong thời gian tới.

Về mô hình chính quyền đô thị ở các thành phố lớn, cụ thể là các nội dung được phân cấp, giao quyền, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đánh giá, mô hình này vận hành thực ra là theo “cơ chế xin thêm”.

Ông cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện các thể chế để vận hành các đô thị vì đây là xu hướng tất yếu. Theo ông, hầu hết quốc gia đều muốn quản trị theo hướng tập trung quyền lực về Trung ương nhưng suy cho cùng thì quyền lực lại tập trung về các bộ, ngành. Chính điều này sẽ cản trở sự phát triển địa phương, dẫn đến tình trạng luật lắt léo, quy định chồng chéo.

Một số ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra bất cập khi từ chủ trương, nghị quyết đến luật, nghị định, thông tư hướng dẫn là một quá trình kéo dài, làm mất cơ hội phát triển.

Cần độ giãn để đưa ra cái mới, cái sáng tạo

Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ thêm, rõ ràng là qua từng thời kỳ, phương thức lãnh đạo đã có sự thay đổi. Ông đơn cử như lúc chống dịch COVID-19, không thể vận dụng mô hình phương thức lãnh đạo như bình thường. Khi đó Thành uỷ TP.HCM đã ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, UBND TP xây dựng kế hoạch… sau đó thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo chống dịch. Đây là một điển hình và cụ thể để rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong điều hành khi tình hình có sự thay đổi.

Đề cập đến vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng đây là chỗ dựa cho cán bộ để khơi dậy tinh thần sáng tạo.

“Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Đảng uỷ cấp trên cơ sở và trực thuộc Trung ương phải thấy được có những cái giữa thực tiễn và pháp luật chưa phù hợp; có những vấn đề pháp luật chưa quy định nhưng thực tiễn đã có. Từ đó cho phép có độ giãn để đưa ra cái mới và đánh giá hiệu quả hay không và đi kèm đó là chấp nhận rủi ro” - ông Hải nói.

Từ đó, ông nói phải có những đánh giá toàn diện chứ không chỉ áp dụng các quy định của pháp luật một cách cứng nhắc làm hạn chế vai trò, sức sáng tạo của cấp uỷ các cấp, đúng theo tinh thần Kết luận 14.

Mặt khác, cần đặt vai trò lợi ích của người dân, đảm bảo an dân và chăm lo, quản lý xã hội lên trên hết. Người dân sẽ luôn ghi nhận và rất sòng phẳng trong đánh giá việc làm của người đứng đầu tại địa phương đó, giúp địa phương phát triển như thế nào.

Cuối cùng, ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng TP.HCM là nơi hội tụ đầy đủ 54 dân tộc anh em trên cả nước. Chính vì thế, sức mạnh hoà hợp văn hoá, tinh hoa của các dân tộc là rất lớn, dường như không thể tách rời và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của TP.HCM.

“Các cấp, các ngành TP đều ý thức được vai trò của lực lượng lao động ở các địa phương, sự đóng góp của các dân tộc ở các địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp của TP.HCM” - ông khẳng định.

Nhiều thành tựu sau 40 năm đổi mới

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết một trong những thành tựu quan trọng của TP.HCM sau 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần giá trị các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ.

TP.HCM cũng đã tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TP giữ vững vai trò trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo mở rộng quy mô, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển chuyên sâu hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh…

TP đảm bảo tiến độ triển khai các nội dung về tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131, Nghị định 33; sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động; cơ bản hoàn thành công tác cán bộ...

Tại TP.HCM đã hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Thành lập Khu công nghệ cao; Công viên phần mềm Quang Trung - mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao; Khu Nông nghiệp Công nghệ cao; Trung tâm Công nghệ sinh học TP.

Cùng với đó là thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - bước đột phá để xây dựng TP sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

TP chủ động kiên trì đeo bám, tham mưu đề xuất Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để TP phát triển, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.

TP đã chủ động triển khai thực hiện các chương trình riêng của TP để đẩy mạnh công tác tạo nguồn, đào tạo, rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm