Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: TP.HCM cần có chính sách đột phá phát triển văn hoá, xã hội

(PLO)- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng TP.HCM sẽ đề ra được những giải pháp đột phá, sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong phát triển văn hoá-xã hội và con người trong thời kỳ mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-10, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 - Ban chỉ đạo tổng kết Trung ương về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hoá-xã hội và con người, đã làm việc với Thành uỷ TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-tong-ket-40-nam-van-hoa-doi-moi.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THANH THUỲ

TP.HCM cần chính sách đột phá trong văn hoá

Đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM trong phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị TP.HCM cần nghiên cứu sâu các chính sách văn hóa, xã hội, đào tạo con người, từ đó có những bài học, kinh nghiệm, giải pháp mới áp dụng cho cả nước.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay: Phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người là chủ trương lớn, thống nhất, xuyên suốt của Đảng trong nhiều giai đoạn, thời kỳ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn sau cuộc làm việc, đoàn công tác cùng TP.HCM sẽ nghiên cứu sâu, kỹ các thành tựu, hạn chế suốt quá trình phát triển vừa qua. Ông cũng kỳ vọng TP.HCM sẽ đề ra được những giải pháp đột phá, sáng tạo, có tính ứng dụng cao, không chỉ áp dụng ở TP.HCM mà còn cho cả nước.

"Tôi mong muốn TP.HCM sẽ nghiên cứu, có những chính sách để tạo ra các thành tựu đột phá về văn hóa, xã hội và xây dựng con người, hướng tới chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

truong-ban-tuyen-giao-nguyen-trong-nghia-40-nam-doi-moi-van-hoa.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kết luận buổi làm việc. Ảnh: THANH THÙY

Nghị quyết 98 giúp khai mở các lĩnh vực văn hoá

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng lĩnh vực văn hoá-xã hội gồm nhiều vấn đề rộng lớn, đa dạng, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn nữa. Từ đó, ông yêu cầu các ban, ngành TP cần có sự nghiên cứu để tìm ra những hệ giá trị mà TP.HCM đã đạt được trong suốt chặng đường 40 năm qua trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, con người với mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế. Luôn bám sát định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.

Nổi bật là trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, an ninh xã hội.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đáng để bàn, có những cái chưa phát triển ngang tầm với kinh tế.

“Những giải pháp về huy động, phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa tương xứng và thiếu đồng bộ” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

TP.HCM cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, con người trong giai đoạn tới. Mảnh đất này cũng là nơi hội tụ văn hóa của 54 dân tộc anh em trong nước, nơi có nhiều sắc thái văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là một trung tâm kinh tế văn hóa đặc trưng, truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa khí hào sảng, năng động, sáng tạo được hình thành hàng trăm năm qua.

Vì vậy, Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý các cấp trong quá trình phát triển ở lĩnh vực này cần chú tâm đến việc xây dựng văn hóa, con người thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải giữ được cốt cách, bản sắc vốn có từ thời cha ông đi mở cõi.

“Chúng ta phải tiếp nối, giữ gìn và phát huy, tiếp tục khai thác mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc này phải đặt trong bối cảnh phải có nhận thức đổi mới tư duy quản lý văn hóa, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế” - Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

bi-thu-nguyen-van-nen-40-nam-doi-moi.jpg
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: THANH THUỲ

TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói điều này đòi hỏi TP phải không ngừng hoàn thiện các chính sách cho phù hợp.

Ông lưu ý cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, xem đây là nhiệm vụ cốt lõi để hình thành các thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình xây dựng môi trường bình đẳng, công bằng, nhân ái. Để mọi người sống trên mảnh đất này phải tự hào là công dân của TP.HCM, tuân thủ pháp luật như là công việc thường nhật, bồi đắp để bù đắp những nhân cách nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ, lý tưởng sống.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, Nghị quyết 98 đã giúp TP.HCM khai mở các nguồn lực phát triển về lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật và đầu tư phát triển hạ tầng xã hội. TP.HCM đã hoàn thiện các chủ trương, chính sách để trình HĐND ban hành chính sách mới, cải thiện những bất cấp trong lĩnh vực này.

Ông Dương Anh Đức cũng mong trong thời gian tới, Trung ương quan tâm hơn nữa, với những nội dung có sự vướng mắc sẽ có sự điều chỉnh chính sách nhanh, mạnh mẽ hơn để tháo gỡ tối đa nguồn nhân lực cho không chỉ TP.HCM mà cả các địa phương khác cùng phát triển.

TP.HCM sẽ thu hút nguồn lực đầu tư từ các dự án PPP

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải, cho biết sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người, TP.HCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội. Đời sống và mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân TP ngày càng phong phú, đa dạng.

Trong giai đoạn 2021-2025, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.

40-nam-doi-moi-van-hoa 92).jpg
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải báo cáo tại hội nghị. Ảnh: THANH THUỲ

TP.HCM cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, gắn với thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội…

Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đẩy nhanh thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn hóa, chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm về văn hoá, nghệ thuật.

Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao... theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cùng với đó, thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn TP. Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá TP giai đoạn 2020 - 2030...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm