Các mô hình du lịch đêm sẽ tác động không nhỏ đến việc thu hút, tăng thời gian giữ chân khách lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách quốc tế và nội địa. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số địa phương về định hướng của tỉnh trong việc phát triển mô hình du lịch đêm.
Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM:
Đích đến cuối cùng là sản phẩm du lịch hút khách
Đối với việc phát triển du lịch đêm thì đích đến cuối cùng là sản phẩm du lịch có thể khai thác được và thu hút du khách, cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế TP.
TP.HCM sẽ ưu tiên chọn mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và mô hình tham quan du lịch đêm. Trong đó, mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sẽ thu hút các doanh nghiệp (DN) du lịch đầu tư phát triển chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh đẳng cấp.
Đối với mô hình tham quan du lịch đêm, TP.HCM tạo điều kiện để các DN du lịch - lữ hành tại TP tổ chức hoạt động tham quan, giải trí về đêm (kéo dài đến 24 giờ) bằng các phương tiện vận chuyển hiện đại và truyền thống. Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai dịch vụ bổ trợ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm, thể thao, làm đẹp và các dịch vụ giải trí phù hợp khác.
TP.HCM sẽ ưu tiên chọn mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và mô hình tham quan du lịch đêm
Sở Du lịch sẽ thúc đẩy đề án du lịch thông minh của TP.HCM. Đồng thời xây dựng đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn TP để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích tổ chức các chương trình lồng ghép vào các hoạt động du lịch đêm. TP cũng sẽ hỗ trợ các DN lữ hành phối hợp với các điểm đến tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề, phát triển những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm tại tuyến phố các quận 1, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, TP Thủ Đức…
Bà NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa:
Đề xuất cơ chế chính sách riêng
Hiện nay, một số hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ ban đêm đang hình thành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tuy nhiên có thể thấy các hoạt động ban đêm mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính tự phát riêng lẻ tại một số khu vực. Các hoạt động này cũng chưa tạo đủ dấu ấn khác biệt so với các hoạt động trong khung giờ truyền thống. Bên cạnh đó, các hoạt động này cũng đối mặt với nhiều rủi ro liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, áp lực hạ tầng, vấn đề tệ nạn xã hội, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải... chưa có khung pháp lý, chính sách về thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm.
Về quy hoạch không gian, tỉnh chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng. Vì vậy, Khánh Hòa sẽ nghiên cứu phát triển các mô hình du lịch đêm phù hợp với tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương. Phát triển các sản phẩm lõi đặc trưng bao gồm hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm, du lịch vui chơi giải trí.
Sở Du lịch cũng sẽ xây dựng sự kiện tổ chức thường kỳ, mang đậm văn hóa, bản sắc riêng của địa phương tạo dấu ấn sâu sắc cho du khách. Các sự kiện chính tổ chức thường niên độc đáo với quy mô lớn, mang tầm thế giới lan tỏa hình ảnh du lịch.
Trước mắt, Sở Du lịch sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất mô hình sản phẩm phát triển du lịch đêm để áp dụng cho tỉnh phù hợp với lợi thế thực tế, thị hiếu của khách du lịch. Đồng thời, sở nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho sản phẩm kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thực hiện xúc tiến truyền thông, quảng bá các hoạt động, dịch vụ du lịch đêm đến các thị trường trong nước và quốc tế.
Ông BÙI QUỐC THÁI, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang:
Kêu gọi đầu tư dịch vụ về đêm
Trong năm mô hình mà Bộ VH-TT&DL đưa ra, tỉnh Kiên Giang đều có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh sẽ tập trung vào hai mô hình đang thu hút du khách hiện nay làm nền tảng. Cụ thể là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống.
Đối với mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật hiện nay đã hình thành và phát triển tại TP Phú Quốc với các show diễn văn hóa, nghệ thuật đặc trưng như biểu diễn thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại, trình diễn công nghệ ánh sáng kết hợp nhạc nước. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô lớn, hệ thống sân khấu kịch, ca nhạc, rạp chiếu phim, các điểm văn hóa cộng đồng…
Đối với mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm đã được hình thành ở các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, TP Phú Quốc và huyện Kiên Hải.
Tại Phú Quốc cũng có thể phát triển thêm các nhóm sản phẩm như nhóm các sản phẩm dịch vụ gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng dân cư tập trung ở phường Dương Đông và phường An Thới, đồng thời nghiên cứu xây dựng các tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực.
Ngành du lịch nghiên cứu mở rộng khu chợ đêm Phú Quốc và phố đi bộ kết hợp với các hoạt động về đêm của Công viên Bạch Đằng kết nối đến Dinh Cậu. Ngoài ra, sở sẽ đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của các quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê.
Nhóm các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển về đêm như câu cá, thẻ mực, trải nghiệm làm ngư dân, kêu gọi đầu tư các loại hình du thuyền, nhà hàng nổi trên sông, trên biển để phục vụ du khách về đêm.
Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục kêu gọi đầu tư các khu dịch vụ về đêm để phục vụ du khách. Qua đó góp phần đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm sẽ tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.
Ông TRỊNH HÀNG, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Tiềm năng lớn để phát triển dịch vụ đêm
Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm, dịch vụ ban đêm. Đơn cử như tại huyện Côn Đảo đã có các sản phẩm, dịch vụ gắn với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, hoạt động trên biển vào ban đêm (câu cá, câu mực…). Tại TP Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ đã bước đầu hình thành các khu phố đi bộ, khu chợ đêm; các hoạt động nghệ thuật đường phố. Tuy nhiên, đa số các dịch vụ, sản phẩm du lịch ban đêm còn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung và chưa đồng bộ.
Vì vậy, tỉnh đã và đang có nhiều hành động cụ thể như quy hoạch, áp dụng ở mức cao nhất các chính sách của Trung ương, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ của tỉnh để đồng hành cùng các DN và người dân tham gia du lịch ban đêm…
Sở Du lịch đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao UBND các huyện, thị xã, TP thực hiện rà soát, chủ động lựa chọn các mô hình phát triển sản phẩm du lịch. Hình thành các khu phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm hoặc các trung tâm mua sắm tại các di tích với quy mô, đẳng cấp.
Bên cạnh đó, sở, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh áp dụng tối đa các chính sách của Trung ương, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
(Kỳ cuối: Giải pháp để “thắp sáng” du lịch đêm)
Du khách “xả láng” tiêu tiền ở những thiên đường du lịch
Ở Bangkok (Thái Lan) có khu vui chơi, giải trí, quán bar, khu ẩm thực, mua sắm… và cái gì cũng có. Từ khu chợ Partunam hoạt động đến 21 giờ, chợ vừa đóng cửa thì khách quốc tế có thể “xả láng” tiêu tiền với hoạt động du thuyền ăn tối trên sông Chao Phraya, hay các show diễn đậm chất lịch sử như Muay Thái, mua sắm đến 24 giờ thậm chí đến sáng tại khu chợ sầm uất… Có thể thấy hoạt động chợ đêm ở Thái Lan phân chia thời gian, đa dạng hóa hoạt động và có khung giờ cụ thể.
Ngoài Thái Lan, Đài Loan làm loại hình du lịch chợ đêm rất hoành tráng. Trong từ 16 giờ đến 24 giờ hằng ngày đều có nhiều hoạt động khu vực chợ như mua sắm, tham quan, trải nghiệm ăn uống.
Như vậy, cả năm mô hình Bộ VH-TT&DL đề xuất gồm hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm đều xuất hiện tại khu chợ đêm ở những thiên đường du lịch này.
Ông NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG, Quyền Viện trưởng Viện Du lịch xã hội