TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

(PLO)- Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch nông nghiệp, TP.HCM cần xây dựng cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp của TP.HCM trong thời gian tới. Vì vậy, TP.HCM đang triển khai và tập trung đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp xanh.

Đã triển khai nhiều tour du lịch nông nghiệp

Trong những năm gần đây, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp (DN) lữ hành triển khai hàng loạt tour kết hợp nông nghiệp ở huyện Cần Giờ. Điển hình như tour “hoa nở trên xứ vàng trắng”; tìm hiểu nuôi yến tại Khu bảo tồn đàn dơi Nghệ, bắt cua, chèo kayak; tour “Thiềng Liềng - chốn bình yên” tìm hiểu nghề làm muối; tour “về làng ở đô thành” tham quan đình làng hàng trăm tuổi, trang trại bò sữa…

Theo các DN lữ hành, du lịch nông nghiệp hiện vẫn dừng ở mức tiềm năng, chưa thực sự được khai thác sâu, chưa có sản phẩm hấp dẫn để kéo khách. Du lịch nông nghiệp thiếu một mô hình mới, dịch vụ phát triển chưa đồng nhất với các vùng khác.

P8_hinhbai-.jpg
Du khách trải nghiệm tour “Thiềng Liềng - chốn bình yên” tìm hiểu nghề làm muối.
 Ảnh: THU TRINH

TS Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính, cho biết điểm hạn chế của du lịch nông nghiệp TP là chú trọng quá nhiều vào việc tìm ra sản phẩm mà quên điều quan trọng của sản phẩm là câu chuyện, sự cảm nhận của công chúng. Tức là chúng ta chỉ tạo ra sản phẩm mà chưa nghĩ đến người mua là ai.

Để khắc phục điều đó, khi đã có sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một đặc sản) rồi, cơ quan quản lý nhập cuộc xây dựng cộng đồng DN du lịch khai thác sản phẩm. Qua đó tạo sự cộng hưởng lớn, tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch nông thôn ở TP.HCM.

TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho biết hiện nay các huyện có sản phẩm du lịch nông nghiệp cụ thể và thu hút du khách chỉ có ở Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ), các huyện khác đang loay hoay và lúng túng triển khai mô hình như thế nào.

“Chúng tôi đang giúp người làm du lịch ở TP.HCM khảo sát các mô hình du lịch nông nghiệp tương đồng ở các địa phương khác. Cách làm này tận dụng những nền tảng sẵn có và không phát sinh về xây dựng để tuân thủ về Luật Đất đai trên đất nông nghiệp bằng cách sắp xếp các tài nguyên, tạo nên câu chuyện nông nghiệp thú vị thu hút du khách” - TS Minh nói.

Sở Du lịch TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào quảng bá du lịch nông thôn.

Cơ chế khuyến khích người dân làm du lịch

Về cơ chế phát triển nông nghiệp, TS Minh thông tin: Một số tỉnh, thành khác đã có chính sách hỗ trợ nông dân khởi nghiệp du lịch. Về lâu dài, TP muốn phát triển nông nghiệp cần xây dựng cơ chế khuyến khích người dân đầu tư. Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí để kích thích sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 điều chỉnh quy hoạch đất đai dưới 500 ha, Sở Du lịch tham mưu cho TP tận dụng được cơ chế đặc thù, giúp người làm du lịch có cơ hội sử dụng nguồn lực đất đai một cách hợp lý nhất.

TS Minh nói thêm: “Chiến lược, cơ chế phải hết sức thực tế, không để người dân phụ thuộc vào phần hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, chúng ta cần buổi tập huấn nâng cao nhận thức để họ có trách nhiệm với vai trò người khai thác du lịch”.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch TP đã tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đây là bước đầu hoàn thiện ý thức cộng đồng nhằm nâng chất sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Theo ông Hòa, Sở Du lịch cũng đang phối hợp với Hội Nông dân, Sở NN&PTNT xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại năm huyện của TP. Ngoài ra, TP tập trung phát triển du lịch xanh qua cơ chế khuyến khích, nâng cao chất lượng. TP thực hiện bằng cách tập huấn các cơ sở du lịch, khuyến khích hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến du lịch xanh. Cạnh đó, truyền thông quảng bá, tổ chức cuộc thi nâng cao tay nghề hướng dẫn viên liên quan đến lĩnh vực này.

Theo ông Hòa, Sở Du lịch TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng chuyên trang, quảng bá du lịch nông thôn. Theo đó, sử dụng hình ảnh đẹp liên quan đến địa điểm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động giải trí ở TP.HCM và tỉnh lân cận, cập nhật khuyến mãi, gói tour hấp dẫn bởi các công ty lữ hành được liên kết.•

Du lịch xanh - xu thế của TP.HCM

P8_Hinhbox.jpg
Du khách thích thú trải nghiệm thưởng thức và mua nho tại vườn nho ở Khu du lịch Suối Tiên. Ảnh: THU TRINH

Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, cho biết công ty đã có những kế hoạch phát triển du lịch xanh với lộ trình thực hiện dựa trên khảo sát thực tế.

Để phát triển sản phẩm du lịch xanh, bà Phương Anh cho rằng cần có sự chung tay và nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành du lịch, ngành môi trường và các địa phương.

Bên cạnh đó, TP cũng cần xây dựng các cơ chế khuyến khích DN thông qua đó kích thích nhu cầu của cộng đồng về du lịch xanh.

Bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Giám đốc Khu du lịch Suối Tiên, cho hay: “Chúng tôi tập trung nguồn lực, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong quy trình trồng trọt và chăm sóc đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình du lịch nông nghiệp xanh”.

Theo bà Trinh, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trái cây thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu... Đồng thời tham gia vào các sàn giao dịch điện tử uy tín và các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM.

“Đặc biệt, chúng tôi hướng tới đạt chuẩn quốc gia khi số lượng sản phẩm trái cây đáp ứng đủ nguồn cung, quà tặng cho du khách trong và ngoài nước” - bà Trinh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm