Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” được kỳ vọng là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TP.HCM vào ban đêm.

‘Thắp sáng’ du lịch đêm - Bài 1

Du lịch đêm ở Việt Nam: Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi

(PLO)- Mô hình du lịch đêm sẽ tác động không nhỏ đến việc thu hút, tăng thời gian giữ chân khách lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm đến.

LTS: Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Để thực hiện đề án này, một số địa phương đã tiên phong phát triển du lịch đêm như mô hình chợ đêm, phố đi bộ… bước đầu có những hoạt động hiệu quả, song các hoạt động này vẫn còn nhỏ lẻ, chưa thật sự hấp dẫn. Doanh nghiệp lữ hành cũng lồng hoạt động ban đêm vào các chương trình tour, tuy nhiên hoạt động này đang thiếu “nhạc trưởng” liên kết các chuỗi sản phẩm. Một số tour du lịch đêm được đầu tư chưa bài bản, chưa khai thác được chiều sâu văn hóa của từng địa phương.

Việc giữ chân du khách chi tiêu loại hình du lịch đêm là mục tiêu chiến lược với ngành du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều địa phương đã bắt đầu khai thác sản phẩm du lịch đêm nhưng chỉ dừng lại ở hoạt động văn hóa, vui chơi tại khu vui chơi quy mô lớn, hoạt động ẩm thực tại chợ đêm, quán bar…

Các địa phương còn thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm. Cạnh đó, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng phát triển du lịch đêm.

Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện' được kỳ vọng là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TP.HCM vào ban đêm để triển du lịch đêm. Ảnh: THU TRINH
Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện" được kỳ vọng là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của TP.HCM vào ban đêm. Ảnh: THU TRINH

Việt kiều chuyển hướng sang Thái Lan, Trung Quốc

Tại TP.HCM, hoạt động ban đêm mạnh mẽ nhất ở quận 1, chủ yếu ở chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện. Hay các tour du lịch khám phá trung tâm TP, trải nghiệm xe buýt hai tầng, tour “Vọng Nguyệt” trên dòng kênh Nhiêu Lộc, du lịch kết hợp với ẩm thực trên các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn…

Đa số tour chỉ hoạt động đến 22 giờ và gói gọn trong các hàng ăn, quán nhậu vỉa hè hay bar, pub, đi bộ... Dù hoạt động trên đáp ứng nhu cầu khá lớn của du khách nhưng các hoạt động triển khai riêng lẻ, nhiều nơi hoạt động mang tính tự phát, chưa thống nhất theo tổng thể chung, đặc biệt vấn đề quản lý và ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm.

Một số công ty lữ hành thừa nhận hiện chỉ đưa du khách tham gia du lịch đêm ở dạng tự chọn, sau khi ăn tối và kết thúc hành trình tham quan ban ngày, du khách có thể được khuyến cáo về việc tự do tham quan các khu phố thương mại, phố đi bộ.

Đến với TP Phú Quốc (Kiên Giang), phát triển nhất vẫn là loại hình dịch vụ ăn uống với quán ăn, cửa hàng hải sản, chợ đêm… Du khách trải nghiệm với dịch vụ ban đêm như quán ăn đêm, câu cá, thẻ mực đêm, chợ đêm, dịch vụ vui chơi, giải trí có thưởng (casino)… Trong đó, nổi bật là khu “TP không ngủ” Phú Quốc United Center (Grand World) hay trình diễn nhạc công nghệ ánh sáng kết hợp với nhạc nước.

Chị Lưu Thị Tuyết (ngụ TP Hà Nội) kể: “Tôi và nhóm bạn ưu tiên rủ nhau đi Thái Lan, Trung Quốc để có thể over night với nhiều hoạt động nhộn nhịp ở phố đêm China Town, phố Pattaya… Mỗi chợ đêm ở Thái Lan có một bản sắc khác nhau, chợ đêm này đóng thì có chợ đêm khác… rất thú vị”.

Một số công ty lữ hành thừa nhận hiện chỉ đưa du khách tham gia du lịch đêm ở dạng tự chọn, sau khi ăn tối và kết thúc hành trình tham quan ban ngày, du khách có thể được khuyến cáo về việc tự do tham quan các khu phố thương mại, phố đi bộ.

Một Việt kiều Mỹ đã đến hai TP sôi động bậc nhất Việt Nam cho biết: “Đến TP.HCM, tôi ấn tượng nhất là khu phố Bùi Viện, đến Hà Nội lại ấn tượng Hồ Gươm, phố bia Tạ Hiện”. Ngoài dạo phố, ăn nhậu lề đường thì đêm đến lên bar, ngoài ra du khách này chưa biết chơi gì vào ban đêm bởi sau 12 giờ đêm dường như các nhà hàng chuyên về ẩm thực, điểm vui chơi, nơi mua sắm đã đóng cửa.

Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), những năm gần đây du khách rần rần rủ nhau trải nghiệm show Ký ức Hội An với những màn “nâng tầm thị giác”. Đây được xem là show làm nên tên tuổi của Hội An vào ban đêm.

Tuy nhiên, vào năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam tại bốn địa phương gồm TP Đà Nẵng, phố cổ Hội An (Quảng Nam), TP.HCM và TP Đà Lạt (Lâm Đồng), viện này nhận thấy sản phẩm, dịch vụ ở phố cổ Hội An còn sơ sài, chủ yếu du khách chỉ đến tham quan, ít lưu trú. Cạnh đó, nguồn nhân lực tham gia hoạt động, dịch vụ đêm còn hạn chế.

p9-bai1-dulichdem-thutrinh-h2-5673-726.jpg
Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) vào ban đêm. Ảnh: THU TRINH

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Hội An là đô thị cổ, di sản văn hóa thế giới nên cần có quy hoạch phù hợp khi phát triển dịch vụ đêm.

12 tỉnh, thành chọn một mô hình du lịch đêm

Bộ VH-TT&DL đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm phát huy lợi thế dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam. Đề án này được kỳ vọng sẽ tăng năng lực cạnh tranh cho điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút du khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế.

Thông qua đề án, Bộ VH-TT&DL muốn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2025, 12 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại chín tỉnh, thành còn lại, phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm.

12 tỉnh, thành sẽ phát triển du lịch đêm theo năm mô hình gồm: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Theo Bộ VH-TT&DL, việc làm đầu tiên là các tỉnh cần xác định khu vực, địa bàn cụ thể, lồng ghép quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh, TP. Ưu tiên khu vực có tiềm năng như lượng khách du lịch tập trung đông; các đầu mối giao thông, trung tâm đô thị, khu, điểm du lịch; tổ chức phân năm luồng giao thông thuận tiện.

Ngoài ra, đề án cũng tạo khung pháp lý cho các sản phẩm du lịch đêm phát triển khi cho phép các dịch vụ được hoạt động từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Các tỉnh, thành nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ hôm sau tại các tỉnh, TP.

Về thu hút đầu tư, có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế tại TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Tour du lịch đêm chưa có nhiều lựa chọn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Hiện nay, một số dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm có âm thanh hoạt động công suất cao, các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra suốt đêm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du khách và người dân địa phương tại các khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng chưa sẵn sàng đầu tư thiết kế thêm các sản phẩm để khai thác hiệu quả những tiềm năng này. Ví dụ, tour khám phá Sài Gòn đêm với Vespa, với xe máy hay xích lô... trước đây có một vài doanh nghiệp đã triển khai loại hình này nhưng sau hai năm dịch bệnh đến nay vẫn chưa được khôi phục. Một số vấn đề về cầu tàu, bến bãi, khu vực neo đậu, chi phí vận hành… vẫn luôn là vấn đề nan giải cho việc khuyến khích đầu tư và phát triển loại hình dịch vụ này.

Theo bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp làm chương trình du lịch đêm hiện nay là không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, thời gian hạn chế khi các dịch vụ đêm đóng cửa… Theo khảo sát, có hơn 80% du khách muốn trải nghiệm “Saigon by night” nhưng hiện tại doanh nghiệp chỉ có thể chọn đưa du khách tới những điểm du lịch đêm như phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, ăn tối trên sông Sài Gòn hay tham dự các show nghệ thuật… vào khung giờ nhất định.

Bà Anh cho rằng du lịch đêm là nhu cầu không thể thiếu của du khách. Thực tế tại các nước lân cận, các nước phát triển du lịch đã có các hình thức du lịch đêm hấp dẫn và hiệu quả. Không ít du khách Việt Nam và quốc tế thích thú trải nghiệm, mua sắm như chợ đêm Đài Loan, show diễn văn hóa lịch sử ở Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Hong Kong, Úc…•

Kỳ tới: Làm thế nào để rút được “hầu bao” của du khách?

Đọc thêm