Những nhà nghiên cứu đã theo dõi trẻ em được nhận nuôi và thấy rằng khi lớn lên, họ có rất nhiều khả năng vẫn bắt chước hành vi trong hôn nhân của cha mẹ, họ hàng ruột thịt thay vì cha mẹ nuôi và môi trường đã nuôi dưỡng họ.
TS Jessica Salvatore, khoa Tâm lý học thuộc ĐH Virginia Commonwealth, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra các bằng chứng thống nhất rằng các yếu tố di truyền chính là nguyên nhân chủ yếu giải thích cho thất bại hôn nhân liên tiếp trong nhiều thế hệ".
Gần như tất cả tài liệu nghiên cứu trước đây đều cho rằng việc thất bại hôn nhân của nhiều thế hệ trong gia đình thuộc về vấn đề tâm lý, nhưng nghiên cứu này cho thấy điều ngược lại, rằng di truyền sinh học mới quan trọng hơn.
Giả thuyết trước đây cho rằng trẻ em lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn cũng dễ thất bại trong hôn nhân vì đã chứng kiến cha mẹ không thể giải quyết được mâu thuẫn của mình. Những đứa trẻ này lớn lên, hấp thụ các hành vi ấy rồi lặp lại chúng trong hôn nhân của mình. Nhưng có thể sự thất bại ấy nằm trong chính bản chất sinh học của họ và họ đã truyền lại cho con cái mình.
Theo quan điểm phổ biến, lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly dị làm yếu đi khả năng giao tiếp và cam kết cần thiết cho hôn nhân. Tuy nhiên, điều này lại không chú ý đến mặt tính cách của cá thể do di truyền tạo thành. Ví dụ như những người có mức hoạt động thần kinh cao thường có khuynh hướng nhìn bạn đời tiêu cực hơn sự thật.
Do đó những giải pháp, lời khuyên về tăng cường giao tiếp, thông cảm vẫn không thể có tác dụng với những cặp vợ chồng đổ vỡ. Thay vào đó, chú ý đến những khía cạnh cá nhân và những tính cách đặc trưng có thể đem đến liệu pháp giải quyết các vấn đề tâm lý tốt hơn.